Giới chức Mỹ cho biết họ đã thử thành công tên lửa bội siêu thanh lần thứ hai. Washington loan báo sự kiện này chỉ vài tuần sau khi Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận họ đã bắn tên lửa bội siêu thanh Kinzhal vào Ukraine.

Embed from Getty Images

Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (DARPA) hôm thứ Ba (5/4) đã phát đi thông cáo báo chí xác nhận vụ thử tên lửa bội siêu thanh. Vụ thử này được thực hiện với sự phối hợp của Không lực Mỹ và hãng sản xuất vũ khí Lockheed Martin.

Theo The Epoch Times, ông Andrew Knoedler, Giám đốc chương trình tên lửa bội siêu thanh của Lockheed Martin, cho biết: “Tên lửa bội siêu thanh của Lockheed Martin vừa được phóng thử thành công là phiên bản thiết kế thứ hai, vũ khí này sẽ cho phép các chiến sĩ của chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn những vũ khí chính xác để chiếm ưu thế trong chiến trận”.

Theo thông cáo báo chí của DARPA, tên lửa bội siêu thanh vừa thử “đã nhanh chóng tăng tốc và duy trì tốc độ hành trình nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh”. Tên lửa đã đạt độ cao hơn 65.000 feet và bay xa hơn 300 dặm.

Chúng tôi vẫn đang phân tích dữ liệu vụ phóng thử, nhưng tự tin rằng chúng tôi sẽ cung cấp cho Không lực và Hải quân Mỹ những lựa chọn tuyệt vời để đa dạng hóa công nghệ này, sẵn sàng cho những nhiệm vụ tương lai”, ông Knoedler nói thêm. DARPA trước đó đã ký hợp đồng trị giá gần 1 tỷ USD để Lockheed Martin nghiên cứu chế tạo hệ thống tên lửa bội siêu thanh.

Mặc dù thông cáo báo chí của DARPA không đề cập tới chiến tranh Nga-Ukraine và không nói rõ đó là tác nhân để Mỹ thử vũ khí bội siêu thanh lần hai, nhưng quan chức Nga hồi tháng Ba đã xác nhận họ sử dụng tên lửa bội siêu thanh để bắn vào các mục tiêu tại Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng Ba cũng nói rằng những vũ khí như vậy đã được sử dụng và nhấn mạnh đó là “vũ khí thông thường”.

Họ vừa phóng tên lửa bội siêu thanh bởi vì nó là thứ duy nhất họ có thể đảm bảo chắc chắn bắn đúng mục tiêu. Vũ khí này không có nhiều khác biệt, ngoại trừ nó là vũ khí gần như không thể ngăn chặn. Đó là lý do họ sử dụng nó”, ông Biden nói về việc Nga dùng vũ khí bội siêu thanh trong cuộc chiến xâm lược Ukraine.

Cũng thời điểm đó, Bộ Quốc phòng Anh Quốc xác nhận Nga đã bắn tên lửa bội siêu thanh Kinzhal vào Ukraine, nhưng cho rằng vũ khí tối tân này “gần như khó có thể ảnh hưởng thực chất đến kết quả chiến dịch của Nga tại Ukraine”.

Trong bối cảnh xung đột Mỹ, Nga leo thang vì chiến tranh Ukraine, Bộ Quốc phòng Mỹ tháng trước xác nhận họ đã hủy một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) dù đã lên kế hoạch. Mỹ giải thích rằng họ đưa ra động thái như vậy để tránh leo thang căng thẳng với Nga.

Trong một diễn biến liên quan, hôm 5/4, các nhà lãnh đạo ba nước Úc-Anh-Mỹ (AUKUS) đã ra tuyên bố chung cam kết bắt đầu hợp tác ba bên mới về vũ khí bội siêu thanh.

Tuyên bố chung AUKUS do Nhà Trắng công bố đề cập đến việc hợp tác trong lĩnh vực vũ khí bội siêu thanh và chống bội siêu thanh, cũng như tác chiến điện tử, đồng thời tiết lộ rằng trong tương lai các đồng minh sẽ được xem xét tham gia liên minh AUKUS.

Chúng tôi hôm nay cũng cam kết bắt đầu hợp tác ba bên mới về năng lực tác chiến điện tử và chống bội siêu thanh, cũng như mở rộng chia sẻ thông tin và hợp tác sâu sắc hơn trong đổi mới quốc phòng… Khi chúng tôi phát triển những điều này và các khả năng quốc phòng và an ninh quan trọng khác, chúng tôi sẽ tìm kiếm cơ hội để thu hút các đồng minh và đối tác thân thiết”, tuyên bố chung AUKUS cho biết.

Hải Đăng (T/h)