Ngày 17/5, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo khởi động một chương trình mới nhằm thu thập và phân tích bằng chứng về tội ác chiến tranh cũng như những hành động tàn bạo khác mà Nga gây ra ở Ukraine, trong bối cảnh Washington tìm cách đảm bảo Moscow phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình.

Embed from Getty Images

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, chương trình Đài quan sát xung đột này sẽ cung cấp tài liệu, sự kiểm chứng và phổ biến bằng chứng nguồn mở về hành động của Nga ở Ukraine. Các báo cáo và phân tích sẽ được cung cấp thông qua trang web của Đài quan sát xung đột.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chỉ trích Nga về điều mà ông gọi là “tội ác chiến tranh to lớn” đã diễn ra ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm của ông trong việc buộc Moscow phải chịu trách nhiệm vì đã phát động cuộc chiến trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai.

Trước đó, Chính phủ Kyiv cáo buộc Nga phạm tội tàn sát thường dân Ukraine trong cuộc xâm lược, và tuyên bố họ đã xác định được hơn 10.000 vụ việc có thể coi tội ác chiến tranh.

Nga phản bác việc nhắm mục tiêu vào dân thường, thậm chí còn cáo buộc những bằng chứng mà phía Ukraine đưa ra đều là được dàn dựng.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chương trình mới đang được thành lập với khoản đầu tư ban đầu 6 triệu đô la, sẽ phân tích và lưu giữ thông tin, bao gồm hình ảnh vệ tinh và thông tin được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội, từ đó có thể được sử dụng trong các cơ chế quy trách nhiệm hiện có và trong tương lai.

Tuyên bố nêu rõ: “Chương trình Đài quan sát xung đột mới này là một phần trong một loạt các nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ ở cả cấp quốc gia và quốc tế, được thiết kế để đảm bảo truy trách nhiệm trong tương lai đối với các hành động khủng khiếp của Nga.”

Chương trình là sự hợp tác với công ty hệ thống thông tin địa lý Esri, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Nhân đạo của Đại học Yale, Sáng kiến Cứu hộ Văn hóa Smithsonian và PlanetScape Ai. Nguồn tài trợ trong tương lai của chương trình này sẽ chủ yếu đến từ Sáng kiến Phục hồi Dân chủ châu Âu.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price lưu ý, Hoa Kỳ đã tham gia với các công tố viên, tổ chức và thực thể nhà nước có liên quan, thông qua nhiều cơ chế để thu thập và ghi lại bằng chứng về tội ác chiến tranh và hành động tàn bạo có thể xảy ra.

Tuy nhiên, chương trình mới sẽ chia sẻ những phát hiện đó cho công chúng và chính quyền ở các khu vực có thẩm quyền tài phán thích hợp, bao gồm cả Ukraine và có thể là Hoa Kỳ, “để các công tố viên có thể thậm chí thiết lập các vụ án hình sự dựa trên tài liệu được công bố”.

Một tòa án Ukraine đã tổ chức phiên điều trần sơ bộ hôm 13/5 trong phiên xử tội ác chiến tranh đầu tiên phát sinh từ cuộc xâm lược của Nga từ ngày 24/2, sau khi buộc tội một người lính Nga vì giết chết một thường dân 62 tuổi.

Nga đã ném bom liên tục khiến nhiều thành phố trở thành đống đổ nát. Hàng trăm thi thể thường dân được tìm thấy ở các thị trấn, nơi mà lực lượng của họ rút đi kể từ khi bắt đầu cuộc chiến.

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 25/4 cho hay, họ sẽ tham gia một nhóm chung với các công tố viên Ukraine, Ba Lan và Litva điều tra các cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga.

Ukraine không có nhiều kinh nghiệm trong việc khởi tố những vụ việc như vậy. Năm ngoái, Quốc hội nước này đã thông qua luật để cung cấp một khuôn khổ pháp lý cho việc truy tố tội phạm chiến tranh phù hợp với thông lệ quốc tế, theo bà Zera Kozlyieva, phó trưởng đơn vị tội phạm chiến tranh tại văn phòng tổng công tố.

Bà nói thêm, trước đây Ukraine chỉ kết án 3 cá nhân vì các tội danh như vậy từ năm 2014 đến cuộc xâm lược hồi tháng 2 năm nay, tất cả đều liên quan đến cuộc xung đột ở khu vực tranh chấp Donbas và Crimea, vốn đã bị Nga tuyên bố sáp nhập.

Nhật Minh (Theo Reuters)