Thành viên của cả hai đảng trong Hạ viện Mỹ đã kêu gọi cần phải chú trọng hơn liên kết vấn đề thương mại và nhân quyền, đồng thời đưa ra dự luật hủy bỏ ứng xử tối huệ quốc vĩnh viễn đối với Trung Quốc. Động thái được cho là đưa quan hệ thương mại Mỹ – Trung trở lại như 20 năm trước.

Chiến tranh thương mại, Thương chiến
(Ảnh minh họa: Rawf8/Shutterstocks)

Dự luật xóa bỏ quy chế tối huệ quốc vĩnh viễn đối với Trung Quốc

Ông Chris Smith, một đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, thông báo rằng trong tuần này ông và các nhà lập pháp của cả hai đảng đã đưa ra một dự luật nhằm loại bỏ quy chế thương mại tối huệ quốc vĩnh viễn của Trung Quốc. Dự luật kêu gọi thiết lập lại tình trạng thương mại liên quan với tình trạng nhân quyền của nước này, yêu cầu hàng năm Tổng thống Mỹ cần xem xét những nỗ lực nghiêm túc và bền vững trong việc cải thiện nhân quyền để làm căn cứ quan hệ thương mại bình thường với Trung Quốc.

Ngày 23/3 VOA đưa tin, Nghị sĩ Smith cho biết dự luật sẽ “xóa bỏ quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Trung Quốc, nhằm trừng phạt những hành vi tàn bạo của nhà cầm quyền nước này đối với vấn đề nhân quyền, đặc biệt là cuộc đàn áp đối với người Duy Ngô Nhĩ và những cuộc diệt chủng đang diễn ra, cùng thực trạng lao động cưỡng bức đối với các dân tộc thiểu số ở Trung Á”.

Nghị sĩ Smith, người phản đối việc tách vấn đề nhân quyền ra khỏi hoạt động thương mại của Trung Quốc, chỉ trích các thời chính quyền Mỹ đã liên tiếp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “quyền tự do” vi phạm nhân quyền. Ông nói trong một tuyên bố: “Nhiều, nếu không muốn nói là đa số, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị Mỹ từ lâu đã phớt lờ vấn đề vi phạm nhân quyền vì ‘ảo tưởng Trung Quốc’, tin rằng kinh tế phát triển sẽ khiến Trung Quốc giống chúng ta hơn, nhưng thực tế rất khác”. Ông cũng nói: “Nga có thể không còn quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn do Putin phát động chiến tranh xâm lược Ukraine, trong khi sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga khiến việc đánh giá lại các ưu đãi thương mại của Trung Quốc là đặc biệt kịp thời”.

Ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Biden đã có bài phát biểu tại Nhà Trắng, nói rằng ông sẽ hủy bỏ đối xử quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Nga, tức là bỏ “đối xử tối huệ quốc”.

Trong một tuyên bố, các nhà lãnh đạo G7 cho biết họ sẽ hành động để tước bỏ quy chế tối huệ quốc đối với các sản phẩm chủ chốt của Nga và tổ chức một liên minh rộng rãi các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để làm điều tương tự.

Tối huệ quốc (MFN) trong thương mại quốc tế có nghĩa là nếu một bên ký kết đang dành cho bất kỳ nước thứ ba nào ưu đãi và miễn trừ trong thương mại, thuế quan, vận chuyển, địa vị pháp lý của công dân, thì cũng cấp cho nước ký kết kia ưu đãi tương tự. Nước được hưởng đối xử tối huệ quốc được gọi là nước hưởng lợi, theo quy định của điều ước song phương hoặc đa phương. Cần lưu ý rằng đối xử tối huệ quốc không phải là thuế suất ưu đãi nhất, ngoài đối xử tối huệ quốc còn có các mức thuế suất thấp hơn.

Theo điều khoản đối xử tối huệ quốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các thành viên WTO phải đối xử bình đẳng với các thành viên khác, thực hiện các ưu đãi hoặc miễn trừ thuế quan như nhau khi giao dịch với các thành viên khác. Nếu một thành viên bị loại bỏ quy chế tối huệ quốc, điều đó có nghĩa là hàng hóa xuất khẩu của nước đó sang các nền kinh tế khác sẽ phải chịu mức thuế cao hơn.

Tranh luận giữa thương mại và nhân quyền liên quan Trung Quốc

Ngày 19/9/2000, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu để trao cho Trung Quốc quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, mở đường cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn cũng còn được gọi là quy chế MFN.

Tháng 10/2000, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton đã tổ chức một buổi lễ ký kết hoành tráng tại Nhà Trắng.

Đạo luật quy định rằng một khi gia nhập WTO, Trung Quốc sẽ được cấp phép quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (tức là quy chế tối huệ quốc vĩnh viễn). Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dọn đường cho việc gia nhập WTO của Trung Quốc. Năm 2001, Trung Quốc chính thức trở thành thành viên của WTO.

Các vấn đề liên quan đến đối xử tối huệ quốc và việc Trung Quốc gia nhập WTO là chủ đề tranh luận trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong những năm 1990. Trước khi Trung Quốc có quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Mỹ, theo Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974 (Trade Act of 1974) thì các nước kinh tế phi thị trường như Trung Quốc không thể tự động được hưởng đối xử tối huệ quốc trong thương mại.

Trước năm 1989, việc xét duyệt đối xử tối huệ quốc của Trung Quốc về cơ bản đã diễn ra suôn sẻ. Tình hình nhân quyền ở Trung Quốc khiến Mỹ lo ngại hơn sau sự kiện thảm sát phong trào dân chủ tại Thiên An Môn năm 1989, một số nhóm nhân quyền và thành viên Quốc hội Mỹ đã đề xuất hủy bỏ quy chế tối huệ quốc của Trung Quốc để trừng phạt ĐCSTQ về vi phạm nhân quyền. Mặc dù cuối cùng Mỹ đã quyết định gia hạn quy chế thương mại tối huệ quốc của Trung Quốc, nhưng trong các cuộc đánh giá hàng năm cả Chính quyền và Quốc hội Mỹ đều bày tỏ quan ngại về nhân quyền tại Trung Quốc.

Năm 1993, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Clinton chính thức tuyên bố bổ sung điều kiện nhân quyền vào vấn đề đối xử MFN. Ông đã ban hành một lệnh hành pháp theo đó, nếu Trung Quốc không đạt được tiến bộ toàn diện và đáng kể về nhân quyền thì sẽ mất quy chế tối huệ quốc về thương mại trong giai đoạn 1994-1995. Chính quyền Clinton hy vọng rằng Chính phủ của ĐCSTQ sẽ nhượng bộ về nhân quyền để tiếp tục được đối xử tối huệ quốc. Nhưng rồi mọi người nhanh chóng thấy rõ ràng rằng loại tiến bộ mà Mỹ hy vọng là không thể thực hiện được.

Vào tháng 5/1994, ông Clinton tuyên bố tiếp tục quy chế tối huệ quốc của Trung Quốc và tách vấn đề thương mại khỏi vấn đề nhân quyền. Ông Clinton nói rằng Mỹ sẽ áp dụng một chiến lược nhân quyền mới: Đưa vấn đề nhân quyền của Trung Quốc vào chương trình nghị sự đa phương quốc tế và hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ của Trung Quốc.

Winston Lord – cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và sau đó là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề châu Á – Thái Bình Dương, kể lại rằng chính quyền Clinton đã không thực sự theo đuổi chính sách này, “Tổng thống Clinton đã mắc một sai lầm rất lớn và phá hoại chính sách của chính mình”.

Tháng 10/2018 khi điểm lại lịch sử quan hệ Mỹ – Trung, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói: “Sau khi Liên Xô sụp đổ, chúng tôi cho rằng chắc chắn Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia tự do. Với sự lạc quan này, trước thềm thế kỷ 21 Mỹ đã mở toang cánh cửa đối với Trung Quốc để đưa Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới… Nhưng ‘hy vọng về Trung Quốc đi vào con đường tự do’ đã tan vỡ”.