Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đang có cùng lập trường với nhà lãnh đạo EU Ursula von der Leyen trong nỗ lực sắp xếp chặt chẽ hơn cách tiếp cận đối với Trung Quốc, theo tờ SCMP.

Trung Quốc
Ông Jake Sullivan. (Ảnh: it.usembassy.gov)

Cụ thể, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan ngày 27/4 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách “giảm thiểu rủi ro”, song không tách rời khỏi Trung Quốc để tạo ra sự đồng thuận mới cho trật tự kinh tế quốc tế. Quan điểm này được cho là tương đồng với Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu tại Viện Brookings (Mỹ), cố vấn Sullivan cho hay: “Chúng tôi đã hội ý với các nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu rằng chúng tôi ủng hộ loại bỏ rủi ro, nhưng không phải để tách rời”.

Ông Sullivan nói thêm rằng về cơ bản, loại bỏ rủi ro có nghĩa là có chuỗi cung ứng linh hoạt, hiệu quả và đảm bảo Mỹ không chịu sự ép buộc của bất kỳ quốc gia nào khác.

Vài tuần trước tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đưa ra cùng luận điểm trong bài phát biểu về chính sách của khối này. Sau đó, bà đã lên đường tới Bắc Kinh cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để trực tiếp gửi thông điệp đó tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bà von der Leyen tập trung vào chiến lược “giảm thiểu rủi ro” – cụ thể là việc loại bỏ châu Âu khỏi nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng của Trung Quốc và hạn chế thương mại trong các công nghệ nhạy cảm như trí tuệ nhân tạo, vi mạch và điện toán lượng tử.

Mặc dù điều đó không mới đối với giới lãnh đạo châu Âu, nhưng chiến lược này được coi là thể hiện sự khác biệt trong cách tiếp cận mà Brussels và Washington đang thực hiện đối với Bắc Kinh.

Với vết rạn nứt ngày càng lớn trong một loạt vấn đề như danh sách đen thương mại, kiểm soát xuất khẩu và rà soát đầu tư ngày càng gia tăng, các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên toàn thế giới đã bày tỏ lo ngại về sự chia rẽ lâu dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.

Cố vấn Jake Sullivan cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục thực hiện các hạn chế phù hợp đối với việc xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất sang Trung Quốc theo chiến lược “sân nhỏ, hàng rào cao”.

Tuy nhiên, những biện pháp đó có tiền đề là bảo vệ an ninh quốc gia và không có ý gây tổn hại cho Trung Quốc.

Ông Sullivan nói: “Chúng tôi không cắt đứt thương mại. Trên thực tế, Mỹ tiếp tục có mối quan hệ thương mại và đầu tư rất quan trọng với Trung Quốc”.

Cũng trong tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng cho biết Mỹ không tìm cách tách khỏi Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng việc tách rời hoàn toàn hai nền kinh tế sẽ là thảm họa.

Tuy nhiên, ông Sullivan cũng ghi nhận khó khăn trong cách tiếp cận trên: “Làm thế nào để bạn loại bỏ rủi ro một cách hiệu quả mà không cần tách rời? Không có công thức rõ ràng cho điều đó”.

Vài thập kỷ qua đã bộc lộ những rạn nứt trong trật tự kinh tế quốc tế do Mỹ dẫn đầu sau Thế chiến II. Ông Sullivan cho rằng các bên cần tạo ra sự đồng thuận mới.

Phan Anh

Video: Người “làm nhục Trung Quốc” nhỏ tuổi nhất: Đi học là để lớn lên định cư ở Anh