Ngày 27/6, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra phán quyết theo tỷ lệ 6:3, rằng khu học chánh đã vi phạm Tu chính án thứ nhất khi sa thải ông Joseph Kennedy, cựu huấn luyện viên bóng đá trường trung học bang Washington, vì những lời cầu nguyện sau trận đấu của ông.

shutterstock 130847429
(Ảnh: Shutterstock)

“Ở đây, một tổ chức chính phủ đã tìm cách trừng phạt một cá nhân khi đang tiến hành nghi thức tôn giáo cá nhân ngắn gọn, yên tĩnh, được bảo vệ kép bởi cả các điều khoản về quyền tự do và tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất. Lời biện minh có ý nghĩa duy nhất mà chính phủ đưa ra cho hành động trả đũa của mình là một quan điểm sai lầm, rằng họ có nhiệm vụ phát hiện và ngăn chặn.”

Thẩm phán Neil Gorsuch viết trong bản ý kiến của tòa án rằng: “Ngay cả khi cho phép các phát biểu thế tục tương tự, nghi thức tôn giáo phải được tuân thủ. Hiến pháp không cho phép, cũng không dung thứ cho sự phân biệt đối xử như vậy. “

Năm 2015, ông Kennedy, cựu lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ, kiêm trợ lý huấn luyện viên bóng đá tại trường trung học Bremerton, bị sa thải vì cầu nguyện. Chuyện này đã trở thành tin tức lớn nhất ở Hoa Kỳ. Hiện nay, vụ kiện kéo dài 7 năm cuối cùng đã được giải quyết.

Fox News đưa tin, ông Joe Kennedy là huấn luyện viên trưởng, kiêm trợ lý huấn luyện viên đội bóng cấp cơ sở của Học khu Bremerton ở bang Washington từ năm 2008 – 2015. Lúc đầu, ông đọc kinh và cầu nguyện sau trận đấu một mình, nhưng cuối cùng một số học sinh cũng tham gia cùng ông. Theo tài liệu của tòa án, chuyện này đã biến thành những bài diễn thuyết mang tính khích lệ chứa các chủ đề tôn giáo.

Học khu đã yêu cầu ông Kennedy dừng việc làm này sau khi một huấn luyện viên bất đồng quan điểm phản ánh đến hiệu trưởng. Nhưng ông ấy vẫn làm như vậy và thông báo cho nhà trường rằng ông ấy sẽ tiếp tục cầu nguyện.

Khu học chánh đề nghị ông Kennedy cầu nguyện ở nơi khác trước và sau trận đấu, hoặc ở vạch 50 yard sau khi mọi người rời sân, nhưng ông từ chối và khẳng định sẽ vẫn tiếp tục như bình thường. Sau khi tiếp tục cầu nguyện cho 2 trận đấu khác, khu học chánh đã cho ông Kennedy nghỉ việc.

Học khu lý luận rằng nếu họ cho phép nhân viên Kennedy cầu nguyện trên sân trong các trận đấu ở trường, điều này sẽ vi phạm Điều khoản thành lập của Tu chính án thứ nhất, là bảo vệ sự tách biệt giữa nhà thờ và chính phủ.

“Lập luận này là sai lầm”, đa số ý kiến trong Tòa án Tối cao cho biết, “cả Điều khoản về quyền tự do và Tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất đều bảo vệ các cách biểu đạt giống như của ông Kennedy. Việc hiểu đúng về Điều khoản thành lập của Tu chính án cũng không yêu cầu chính phủ phải đặc biệt không thích những ngôn luận tôn giáo cá nhân.”

Thẩm phán Gorsuch cho biết, không chỉ Hiến pháp, mà “những truyền thống tốt nhất của Mỹ” đều yêu cầu “sự tôn trọng và khoan dung lẫn nhau đối với các quan điểm tôn giáo và phi tôn giáo, không kiểm duyệt và đàn áp.”

Ông cũng cho biết học sinh “không được yêu cầu hoặc phải theo học”, bác bỏ lo ngại của một số phụ huynh rằng học sinh có thể cảm thấy “bị ép buộc”.

Ông Gorsuch viết: “Sự tôn trọng các biểu hiện tôn giáo là điều cần thiết cho cuộc sống của một nước cộng hòa tự do và đa dạng, cho dù những biểu hiện đó là trong đền thờ hay ngoài cánh đồng, và dù chúng được nói hay cúi đầu (cầu nguyện) để thể hiện điều đó.”

Phán quyết của tòa án cũng chỉ ra một lý do rõ ràng, là tại sao các ngôn luận như của ông Kennedy được bảo vệ bởi các điều khoản về quyền tự do ngôn luận và tự do thực hành.

“Không phải ngẫu nhiên mà Tu chính án thứ nhất bảo vệ kép đối với ngôn luận tôn giáo. Đó là sản vật tự nhiên của những nhà hoạch định ngờ vực những nỗ lực của chính phủ, nhằm điều chỉnh tôn giáo và trấn áp những người bất đồng chính kiến”, ông Gorsuch viết.

Tòa giải thích lý do vì sao lời cầu nguyện của ông Kennedy không phải là một bài diễn thuyết của chính phủ, mặc dù ông là một nhân viên chính phủ.

Dư luận cho rằng lời nói của ông không “phù hợp với chính sách của chính phủ”, không “cố gắng truyền tải thông điệp do chính phủ đưa ra”, cũng như không phải là những hành động trong phạm vi chức trách bình thường của ông, vì trận đấu đã kết thúc. Ông không cung cấp hướng dẫn, hoặc chiến lược trận đấu và ông ấy có thể tự do cầu nguyện trong khi làm những việc khác, giống như việc “đơn giản chỉ là giải quyết các vấn đề cá nhân.”

Thẩm phán Samuel Alito cũng thừa nhận ông Kennedy “cầu nguyện trong khi đang làm việc. Nhưng trong thời gian tạm nghỉ nhiệm vụ của mình, rõ ràng đã cho ông một số thời gian rảnh cho các hoạt động riêng tư.”

Ông Kennedy: Trận chiến dài nhất trong đời

Tín đồ Cơ đốc Kennedy đã đăng một bài viết trên Fox News vào ngày 27/6. Ông gọi đây là “trận chiến dài nhất trong cuộc đời” của mình và chúc mừng vì sự kiên trì suốt 7 năm của ông.

Bài báo viết: “Khi tôi bước đến giữa sân bóng lần cuối vào ngày 26/10/2015, tôi đã nhớ lại một ngày 8 năm trước khi tôi hứa với Chúa rằng tôi sẽ cảm ơn Ngài ở vạch 50 yard cho mọi trận đấu mà tôi huấn luyện, dù thắng hay thua.”

Người cựu lính thủy đánh bộ này cảm thán: “Điều đáng chúc mừng là Thủy quân lục chiến đã để tôi chiến đấu vì một điều thực sự quan trọng: Tự do của chúng tôi. Mỗi người Mỹ đều xứng đáng có ai đó chiến đấu vì họ, vì tự do của họ, và tôi tự hào về điều đó.”

Ông Kennedy cho biết, ông yêu các cầu thủ học sinh mà ông hướng dẫn, “không phải ai cũng đồng ý với cuộc đấu tranh của tôi trong tình huống này. Điều này cũng không sao. Lý tưởng tự do của người Mỹ đủ mạnh để chúng ta có thể bất đồng quan điểm mà vẫn yêu thương nhau như người Mỹ. Nhưng tất cả chúng ta nên đồng ý rằng không ai nên bị sa thải vì cầu nguyện riêng tư.”

Ông Kennedy tiết lộ đức tin đã giúp ông kiên trì đến cùng.

“Căn bản là tôi không thể từ bỏ cuộc chiến của mình, hay thỏa hiệp trước cam kết của tôi với Chúa và giữ sự tôn trọng của tôi dành cho Ngài trên sân cỏ. Tôi đành phải tiếp tục chiến đấu … Trong 7 năm qua, đã quá nhiều lần tôi bị vấn đề này ám ảnh: Nếu vụ này tôi thua thì sao?”

Điều đó không chỉ có nghĩa là tôi sẽ không bao giờ được quay lại sân bóng, mà các huấn luyện viên và các giáo viên khác đều có thể mất việc. Tệ hơn nữa, một phần nhỏ của Hiến pháp mà tôi đã thề bảo vệ trong Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ sẽ suy yếu, không phải vì thua trên chiến trường, mà là trước tòa.”

Cuối cùng, ông viết: “Nhưng điều đáng chúc mừng là tôi đã thắng trong trận chiến này. Tôi hy vọng điều này có nghĩa là các giáo viên và huấn luyện viên trường công lập không phải giấu giếm đức tin của mình. Đối với tôi mà nói, tôi rất nóng lòng được trở lại sân cỏ, cùng với các đồng đội của tôi, thúc đẩy họ trở thành những người giỏi nhất, cống hiến mọi thứ trong mỗi giây của trận đấu.”

“Dù thắng hay thua, khi tiếng còi vang lên và mỗi người đều đang nắm tay lại, bạn sẽ thấy tôi quỳ gối ở vạch 50 yard trong lời cầu nguyện của riêng mình.”

Bình Minh (t/h)