Mỹ và Trung Quốc – hai quốc gia phát thải khí carbon nhiều nhất thế giới – đã đồng ý hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc và khẩn cấp, theo một tuyên bố chung được hai nước công bố hôm 17/4 sau chuyến công du Trung Quốc của ông John Kerry – Đặc phái viên khí hậu của chính quyền Biden.

Embed from Getty Images

Tuyên bố chung Mỹ – Trung về biến đổi khí hậu do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 17/4 cho hay: “Sự hợp tác này bao gồm cả thúc đẩy các hành động tương ứng của hai bên và hợp tác trong các tiến trình đa phương, trong đó có Hội nghị về Biến đổi Khí hậu và Thỏa thuận [Khí hậu] Paris”. Hai nước đã đồng ý tiếp tục thảo luận về “những hành động cụ thể trong những năm 2020s để giảm phát thải khí”.

Biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên cao nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông đã đưa nước Mỹ tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Parris chỉ vài giờ sau khi tiếp quản Nhà Trắng, đảo ngược việc rút lui khỏi thỏa thuận đa phương này do Tổng thống Donald Trump ra lệnh.

Ông Biden sẽ chủ trì một hội nghị trực tuyến hai ngày vào 22 – 23/4 để thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu. Ông đã mời khoảng 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Tập khả năng sẽ tham gia hội nghị trực tuyến này, nhưng ông Putin có thể sẽ vắng mặt.

Để chuẩn bị cho hội nghị nêu trên, ông Biden đã cử Đặc phái viên Mỹ về khí hậu John Kerry công du châu Á. Sau hai ngày hội đàm giữa ông Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Xie Zhenhua tại Thượng Hải từ 15-16/4, hai nước Mỹ – Trung đã ký được tuyên bố chung về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, trong tuyên bố này không nêu rõ Trung Quốc sẽ hành động ra sao về vấn đề biến đổi khí hậu.

Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của Trung Quốc

Trung Quốc – quốc gia phát thải khí carbon nhiều nhất thế giới – vào tháng 9/2020 đã loan báo rằng họ sẽ đạt trung hòa carbon (carbon-neutral) vào năm 2060 và nhắm mục tiêu đạt đỉnh xả thải carbon vào năm 2030, có nghĩa rằng Trung Quốc có thể tiếp tục tăng phát thải khí carbon trong vòng 9 năm tới.

Vào ngày 16/4, ông Tập Cận Bình đã tái khẳng định mục tiêu này khi ông nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại một hội nghị trực tuyến. Điều đó có nghĩa rằng Trung Quốc có thể sẽ không tuân thủ yêu cầu của các nhà hoạt động môi trường về việc tăng tốc kế hoạch cắt giảm phát thải khí.

Ông Le Yucheng – Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã nói với hãng tin AP rằng về việc tăng tốc các mục tiêu giảm phát thải khí carbon, “tôi sợ rằng điều này là rất không thực tế”.

Ông Le Yucheng tuyên bố rằng: “Trung Quốc vẫn đang là học sinh tiểu học, trong khi các quốc gia phát triển là học sinh trung học cơ sở [về biến đổi khí hậu]. Bây giờ nếu quý vị yêu cầu các học sinh tiểu học và trung học cơ sở sẽ tốt nghiệp cùng thời điểm, thì đó là điều đi ngược lại với tiến trình phát triển tự nhiên, do đó nó là phi thực tế”.

Trong cuộc phỏng vấn với AP, ông Le Yucheng đã không đề cập tới việc Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn đang tiếp tục khoe khoang về nền kinh tế tăng trưởng nhanh, trong đó có mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19 hoành hành khắp toàn cầu, và đa số các quốc gia khác đã tăng trưởng âm vào năm ngoái.

Tuyên bố chung Mỹ – Trung về biến đổi khí hậu

Phía Mỹ biết về sự lưỡng lực của Trung Quốc trong việc cắt giảm phát thải khí carbon.

Điều quan trọng không chỉ là tờ giấy. Then chốt là những hành động mà mọi người thực hiện trong các tháng tới”, ông Kerry đã nói như vậy trong buổi họp báo nhanh vào ngày 18/4 tại Seoul, Hàn Quốc.

Ông Kerry đã bình luận rằng tuyên bố chung Mỹ – Trung về biến đổi khí hậu đã được soạn thảo với ngôn ngữ “mạnh mẽ”, nhưng “tôi hiểu rõ trong ngoại, quý vị không nên đặt cược vào những lời nói, quý vị nên đặt cược vào những hành động, và tất cả chúng ta cần quan sát xem điều gì sẽ xảy ra”.

Ông Su Wei, thành viên của đoàn đàm phán Trung Quốc và là phó Tổng thư ký của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia – cơ quan quản lý kinh tế vĩ mô của chính phủ trung ương Trung Quốc, đã ca ngợi tuyên bố chung Mỹ – Trung “sẽ tái khởi động đối thoại và hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ về các vấn đề biến đổi khí hậu”. Ông Su Wei nói như vậy khi trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 18/4.

Ông Su Wei cho hay: “Cả hai quốc gia [Mỹ, Trung Quốc] đều nên hành động độc lập, dựa trên trách nhiệm và các điều kiện quốc gia của mình”.

Theo tuyên bố chung, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận về việc công nhận mục tiêu kiểm soát khí hậu toàn cầu “để giữ cho khí hậu trung bình toàn cầu tăng dưới 2 độ C (3, 6 độ F) và theo đuổi các nỗ lực để giới hạn tăng 1,5 độ C (2,7 độ F)”.

Thông qua việc loan báo tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, cả Mỹ và Trung Quốc đã cam kết làm việc tích cực để đạt được các mục tiêu quốc gia của riêng mình, cũng như “thực hiện các hành động phù hợp để tối đa hóa đầu tư và tài chính quốc tế trong việc hỗ trợ chuyển đổi từ nhiên liệu thâm dụng carbon sang dựa chủ yếu vào năng lượng xanh, carbon thấp, và năng lượng tái tạo tại các quốc gia đang phát triển”.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ diễn ra tại Glosgow, Vương Quốc Anh từ ngày 1 – 12/11 năm nay. Tại hội nghị này, Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ thảo luận về các kế hoạch và các mục tiêu thực tế của họ về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xuân Thành (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: