Trung Quốc và Mỹ đang nhen nhóm nối lại các cuộc đàm phán thương mại trước thềm cuộc gặp vào tuần tới tại Nhật Bản giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo Reuters đưa tin.

Embed from Getty Images

Tổng thống Trump hôm thứ Ba (18/6) đã nói rằng đội ngũ đàm phán từ hai phía sẽ bắt đầu chuẩn bị cho hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung hội đàm bên lề thượng đỉnh G-20 tại Osaka, Nhật Bản trong tuần tới. Trung Quốc cũng đã chính thức xác nhận về sự chuẩn bị của hai bên cho cuộc gặp Trump-Tập.

“Đã có một cuộc điện đàm tốt với Chủ tịch Tập của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ có một cuộc họp mở rộng vào tuần tới tại G-20 ở Nhật Bản. Đội ngũ tương ứng của hai bên sẽ bắt đầu đàm phán trước cuộc gặp của chúng tôi,” ông Trump loan báo trên Twitter hôm 18/6.

Reuters cho biết các quan chức chính phủ Mỹ đã từ chối cung cấp chi tiết về các chuẩn bị hoặc các kết quả kỳ vọng từ các cuộc hội đàm tại Nhật Bản, nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều khẳng định lập trường lâu dài của họ: Các quan chức Mỹ kêu gọi những thay đổi mang tính cấu trúc trong nền kinh tế Trung Quốc và trong cách mà Bắc Kinh đối xử với các doanh nghiệp Mỹ; trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi đàm phán thay vì áp đặt thuế quan.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Tập: “Điều quan trọng là phải thể hiện sự cân nhắc tới những quan ngại hợp pháp của nhau. Chúng tôi cũng hy vọng rằng Mỹ đối xử với các công ty Trung Quốc một cách công bằng. Tôi đồng ý rằng các đội đàm phán kinh tế và thương mại từ hai nước sẽ duy trì liên lạc về cách thức giải quyết các khác biệt.”

Bất chấp việc đe dọa sẽ leo thang thuế quan, ông Trump nhiều lần công khai nói rằng ông muốn gặp ông Tập khi hai người tham gia thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản. Việc Trung Quốc đã chính thức xác nhận có cuộc gặp Trump-Tập tại G-20 dấy lên những hy vọng hai bên có thể tránh được việc tiếp tục gia tăng đánh và trả đũa thuế quan.

Ông Trump cũng đã ca ngợi mối quan hệ cá nhân với ông Tập và bày tỏ lạc quan về việc đạt được thỏa thuận thương mại.

Trao đổi với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói: “Tôi nghĩ chúng tôi có cơ hội. Tôi biết rằng Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận. Họ không thích thuế quan, và nhiều công ty đang rời khỏi Trung Quốc để tránh bị đánh thuế.”

“Tôi nghĩ cuộc gặp có thể diễn ra rất tốt, và thẳng thắn mà nói người của chúng tôi sẽ bắt đầu đàm phán vào ngày mai. Đội ngũ này sẽ bắt đầu đàm phán. Do đó chúng ta sẽ xem. Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận. Chúng tôi muốn đạt thỏa thuận, nhưng đó phải là một thỏa thuận tốt cho mọi người,” ông Trump nói thêm.

Cố vấn kinh tế chính phủ Mỹ Larry Kudlow đã từ chối thông tin chi tiết với báo giới về cách thức mà hai nước Mỹ, Trung sẽ chuẩn bị cho cuộc họp Trump-Tập và nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lức để Trung Quốc phải thay đổi thực tiễn thực thi về: đánh cắp sở hữu trí tuệ, cũng như yêu cầu các công ty Mỹ phải chia sẻ công nghệ của họ mới được kinh doanh tại Trung Quốc.

“Lập trường của chúng tôi là chúng tôi sẽ tiếp tục muốn những thay đổi mang tính cấu trúc. Chúng tôi muốn những thay đổi cấu trúc trên tất cả các lĩnh vực… đánh cắp sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ cưỡng bức, tấn công mạng trực tuyến, tất nhiên là cả các hàng rào thuế quan. Chúng tôi phải có một số thứ mang tính bắt buộc,” ông Kudlow trao đổi với báo giới tại Tòa Bạch Ốc.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Tập đã nói với ông Trump rằng mối quan hệ Trung-Mỹ đã gặp khó khăn. “Nếu Trung Quốc và Mỹ hợp tác, cả hai sẽ đều có lợi. Nếu chúng ta đối đầu, cả hai đều gặp tổn thất,” truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông Tập.

Bắc Kinh muốn Mỹ phải dỡ bỏ thuế quan, nhưng hôm 18/6 Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer – lãnh đạo cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc – nói rằng chỉ bằng các cuộc đàm phán đơn thuần là chưa đủ.

“Tôi không biết liệu nó (các cuộc đàm phán thương mại) sẽ khiến họ chấm dứt lừa gạt, thuế quan hay không. Tôi nghĩ quý vị không có bất kỳ lựa chọn nào khác,” ông Lighthizer nói trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ gần đây. “Tôi biết một điều sẽ không hiệu quả và điều đó là đàm phán với họ. Bởi vì chúng ta đã làm điều đó 20 năm rồi”.

Như Ngọc