Giữa những quan ngại về việc mực nước sông Mekong đang xuống thấp, hôm 23/2, Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc thực hiện đúng cam kết chia sẻ dữ liệu của họ với các nước Đông Nam Á  vùng hạ lưu đang bị ảnh hưởng.

Embed from Getty Images

Được coi là con sông dài thứ 12 trên thế giới, sông Mekong, hay Lan Thương theo cách gọi ở Trung Quốc, chảy từ Cao nguyên Tây Tạng và trải dài 4.350km qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng, từ những năm 1990 Trung Quốc đã xây dựng 11 con đập dọc theo dòng Mekong trong lãnh thổ của mình, đôi khi làm thay đổi hoàn toàn dòng chảy. 

Điều này đã tạo nên một cuộc khủng hoảng ở hạ lưu năm 2019. Trong năm đó, mặc dù lượng mưa cao bất thường tại vùng thượng nguồn con sông từ tháng 4 đến tháng 11, Trung Quốc đã hạn chế lượng nước chảy tới vùng thấp hơn của Mekong. Kết hợp với hiệu ứng El Nino, điều này đã dẫn đến nạn hạn hán tồi tệ nhất tại Đông Nam Á trong hơn một thế kỷ, theo một nghiên cứu dựa trên dữ liệu của Uỷ ban sông Mekong (MRC).

Đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok đã phản bác những kết luận của MRC, cho rằng các tác giả không tính đến “mực nước mưa và tính phức tạp của dòng chảy.” Trong khi đó, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson của Mỹ, Brian Evler nói rằng con đập Cảnh Hồng (trên sông Mekong) hầu như không xả nước vì “nhu cầu của con đập được đặt ưu tiên trên nhu cầu của người dân ở hạ nguồn.” 

Tháng Tám năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã họp với lãnh đạo năm nước chung dòng Mekong khác trong Khuôn khổ hợp tác Mekong – Lan Thương. Trong cuộc họp, ông Lý nói Trung Quốc sẽ bắt đầu chia sẻ thông tin thuỷ văn họ thu thập được của dòng chảy xuyên quốc gia hàng năm nhằm làm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, lũ lụt và hạn hán.

“Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ nhiều hơn cho các nước dọc sông Mekong – Lan Thương để có thể sử dụng tốt hơn nguồn nước,” Thai PBS World trích dẫn lời của ông Lý.

Ngày 12/2, MRC thông báo rằng mực nước của con sông dài thứ 12 thế giới giữa đập Cảnh Hồng tại tỉnh Vân Nam Trung Quốc và châu thổ sông ở Việt Nam là thấp đáng lo ngại. Việc suy giảm lượng nước được quy do “hạn chế xả nước” ở thượng nguồn từ con đập gần Cảnh Hồng cùng với việc lượng mưa bị giảm, dòng chảy thay đổi và hoạt động thuỷ điện tại các phụ lưu sông.

MRC trích dẫn lời tiến sĩ Winai Wangpimool, giám đốc bộ phận Hỗ trợ Kỹ thuật rằng, “Có sự lên xuống bất thường mực nước ở hạ lưu dòng chảy từ Cảnh Hồng xuống tới tận Viêng Chăn (Lào) đang thách thức các chính quyền và cộng đồng trong việc chuẩn bị và ứng phó với các tác động có thể xảy ra.” Theo các quan sát của Uỷ ban, việc xả nước của đập Cảnh Hồng ngày 11/2 là 775 m3/giây, giảm gần 50% so với “mức trung bình” 1.400 m3/giây hồi tháng 12.

Mức xả khi đó được báo cáo ổn định ở 785 m3/giây từ ngày 1-7/11, trước khi tăng gần gấp đôi vào ngày 15/11. Sau đó, mực nước ở mức 990 m3/giây và dần  giảm  trong hai tuần tiếp theo.

Winai nói kiểu hoạt động bất thường này có thể ảnh hưởng đến việc di cư của cá, sản xuất nông nghiệp và giao thông đường thuỷ. Nhà khoa học thúc giục Trung Quốc và các bên ven sông liên quan tiết lộ kế hoạch xả nước của họ cho MRC.

Uỷ ban cũng quan sát việc đoạn kéo dài của con sông tại tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) bị đổi thành màu xanh ngọc do dòng chảy chậm hơn, kết hợp với sụt giảm phù sa mịn. Nước trong hơn kéo theo sự phát triển của tảo dưới đáy sông có thể tác động ngược lại chuỗi lương thực và việc đánh bắt cá, “đe dọa sinh kế của các cộng đồng tại địa phương,” tiến sĩ So Nam, quan chức quản lý môi trường của ban Thư ký MRC, cảnh báo.

Trong một thông cáo báo chí đưa ra hôm thứ Ba, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price nói Mỹ ủng hộ việc quản lý minh bạch và có trách nhiệm đối với các nguồn tài nguyên xuyên biên giới, bao gồm dòng Mekong.

Ghi nhận việc có gần 70 triệu người kiếm kế sinh nhai dựa vào dòng sông, ông Price tuyên bố: “Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại với các chính phủ khu vực sông Mekong và MRC về sự biến động nhanh chóng gần đây và sự sụt giảm đáng lo ngại mực nước sông Mekong.” Mỹ ủng hộ những nước này kêu gọi Trung Quốc thực hiện lời hứa chia sẻ các thông tin quan trọng liên quan tới dòng sông một cách kịp thời, như dữ liệu về các đập thuỷ điện hoạt động ở thượng nguồn, ông Price nói.

Mỹ cũng cam kết tiếp tục ủng hộ “các chính phủ và cộng đồng địa phương” dọc hạ lưu sông Mekong nằm trong Đối tác Mekong – Mỹ được thiết lập năm ngoái, gồm cả việc thông qua các cơ chế như Sáng kiến Vùng nước Mekong, mà Bộ Ngoại giao khởi động năm 2017 để thúc đẩy năng lực thu thập, phân tích và quản lý vùng nước và các dữ liệu liên quan của các nước sông Mekong.

Ngân Hà (theo Taiwan News)

Xem thêm: