Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận nới lỏng các hạn chế về thị thực đối với các phóng viên nước ngoài của nhau, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Ba (16/11).

Embed from Getty Images

Thỏa thuận này cũng được truyền thông Trung Quốc loan báo, theo đó hai bên đồng ý kéo dài thời hạn hiệu lực của thị thực phóng viên từ ba tháng hiện tại lên một năm. 

Tin tức về thỏa thuận mới được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm trực tuyến trong 3 tiếng rưỡi vào tối thứ Hai để làm giảm căng thẳng cũng như bày tỏ quan điểm về nhiều vấn đề.

Thỏa thuận liên quan đến thị thực cho phóng viên là kết quả của các cuộc đàm phán kéo dài trong những tháng gần đây, một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết và nói thêm rằng thỏa thuận là tiến bộ đáng hoan nghênh.

Trước đó, thị thực nhà báo là một trong nhiều điểm mâu thuẫn trong mối quan hệ Mỹ – Trung. Hai bên đã tiến hành một loạt các biện pháp ăn miếng trả miếng nhắm vào các nhà báo và hãng truyền thông phía bên kia trong những năm gần đây.

Hiện tại, các nhà báo Trung Quốc ở Mỹ chỉ được cấp thị thực 90 ngày bất kể họ có làm việc cho các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc hay không. Quy định này được đưa ra trong thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đã trục xuất hàng loạt nhà báo Mỹ làm việc tại Trung Quốc và gia tăng các quy định đối với một số tổ chức thông tấn của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa hầu hết các hãng tin nổi tiếng của Hoa Kỳ ở Trung Quốc vào danh sách đen, do vậy người dùng internet Trung Quốc không thể truy cập các trang web này trước “tường lửa” của chính phủ.

Hiện vẫn chưa rõ liệu việc nới lỏng các hạn chế về thị thực có áp dụng cả đối với các nhà báo Mỹ bị trục xuất hay không. 

Đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết chính quyền Biden vẫn “tham vấn chặt chẽ” với các cơ sở truyền thông của Hoa Kỳ đã bị ảnh hưởng bởi các chính sách truyền thông của Bắc Kinh, cũng như các cơ sở khác phải đối mặt với “tình trạng thiếu nhân sự” vì các quyết định chính sách của Trung Quốc. 

Tuy vậy, những người theo chủ nghĩa diều hâu của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã coi vụ việc này như một bằng chứng về những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm thiết lập lại quan hệ Mỹ – Trung theo cách thất bại như trước kia. 

Nói với Fox News hôm thứ Ba, dân biểu Mike Gallagher, đảng viên Cộng hòa đứng đầu trong Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện, cáo buộc ông Biden đang tìm cách phục hồi “cách tiếp cận hợp tác thất bại với Trung Quốc”.

Trong cuộc hội đàm hôm thứ Hai, ông Tập đã gọi Biden là “người bạn cũ”, một thuật ngữ mà các quan chức Trung Quốc thường dành cho các chính trị gia nước ngoài ủng hộ quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.

Nhưng Nhà Trắng dường như muốn phủ nhận mối quan hệ thân thiết đó. Hôm thứ Ba, phát ngôn viên Nhà Trắng Andrew Bates nói với các phóng viên rằng ông Biden “không coi Chủ tịch Tập là một “người bạn cũ.”

Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng TT Biden đã nêu quan ngại với ông Tập về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, đặc biệt là ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông.

Tuy nhiên, vấn đề Thế vận hội mùa đông sắp tới do Bắc Kinh đăng cai đã không được đề cập đến trong cuộc hội đàm. Hiện tại ở Hoa Kỳ, nhiều nhà lập pháp và các nhóm nhân quyền đã kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh vì cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác ở vùng viễn tây của đất nước.

Chính quyền Biden đã né tránh các câu hỏi về việc liệu có tẩy chay ngoại giao Olympics năm tới hay không. 

Tại Thượng viện, việc thúc đẩy tẩy chay ngoại giao được Thượng nghị sĩ Mitt Romney, một đảng viên Đảng Cộng hòa từ Utah và lãnh đạo Thế vận hội Mùa đông Thành phố Salt Lake 2002, dẫn đầu. Ông nói rằng Thế vận hội ở các quốc gia độc tài thường được sử dụng như “một công cụ tuyên truyền hơn là một đòn bẩy của cải cách”.

Ông Romney nằm trong số các Thượng nghị sĩ đã đệ trình một bản sửa đổi đối với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) để ngăn chặn quỹ liên bang được sử dụng trong việc cử các quan chức đến Bắc Kinh.

“Với việc Thế vận hội chỉ còn ba tháng nữa sẽ bắt đầu, tôi hy vọng chính quyền không đợi lâu hơn để gửi một thông điệp mạnh mẽ đến ĐCSTQ, đồng thời bảo vệ ước mơ và sự chăm chỉ của các vận động viên Hoa Kỳ,” TNS Romney nói hôm thứ Ba.

Xuân Lan

Xem thêm: