Gần đây, nhân vật đứng đầu Văn phòng New York của Hiệp hội Giao lưu Nhân tài quốc tế Trung Quốc (CAIEP) là ông Liễu Trung Tam đã bị phía Mỹ cáo buộc có hành vi tổ chức gian lận thị thực. Như vậy Liễu Trung Tam là quan chức cấp cao nhất liên quan đến “Kế hoạch ngàn nhân tài” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ và truy tố. Có nhận định cho rằng vụ việc mang tính bước ngoặt của Mỹ liên quan đến bảo vệ sở hữu trí tuệ.

lieu trung tam
Sau khi Liễu Trung Tam bị bắt, vụ án đã được chuyển cho Tòa án Liên bang vùng nam New York. (Ảnh từ internet)

Hôm thứ Hai (16/9), Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố ông Liễu Trung Tam, Trưởng đại diện Văn phòng New York của Hiệp hội Giao lưu Nhân tài quốc tế Trung Quốc đã bị bắt giữ, bị cáo buộc dùng thủ đoạn bất chính giúp nhiều quan chức ĐCSTQ lấy được thị thực đến Mỹ.

Liễu Trung Tam từng là Phó Bí thư Ban Công tác của Cục chuyên gia nước ngoài Chính phủ ĐCSTQ, cũng là Chủ nhiệm Trung tâm Đào tạo của Cục chuyên gia nước ngoài; sau đó chuyển sang vị trí hiện tại (phụ trách Cục chuyên gia nước ngoài), phụ trách “Kế hoạch ngàn nhân tài” của ĐCSTQ tại Mỹ.

Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố rằng trong thời gian phụ trách Văn phòng tại New York từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2019, Liễu Trung Tam đã “tiến hành các hoạt động lừa dối gian lận visa khác nhau” nhằm giúp nhân viên chính phủ ĐCSTQ lấy được thị thực J-1 của Mỹ (J-1 Visiting Scholar Visa – thị thực nhập cảnh dành cho các học giả được mời tới Mỹ nghiên cứu, giảng dạy.) 

Liễu Trung Tam bị FBI bắt giữ ở Fort Lee, New Jersey ngày 16/9. Cùng ngày ông ta bị đưa ra hầu tòa tại Tòa án Liên bang khu Nam New York, được bảo lãnh tại ngoại sau khi đóng khoản tiền 500 ngàn USD và buộc phải giao nộp visa để đề phòng bỏ trốn. Ông ta bị cáo buộc tội âm mưu lừa dối nước Mỹ bằng các phương pháp sai trái để xin thị thực Mỹ cho các quan chức Trung Quốc. Theo luật pháp Mỹ, nếu tội danh thành lập, Liễu Trung Tam phải đối mặt với mức án tù 5 năm.

Tòa án Mỹ cũng cáo buộc, kể từ năm 2017 quan chức này đã đến các trường đại học lớn của Mỹ để tìm kiếm “chuyên gia chất lượng cao”, giáo sư và sinh viên đến làm việc tại Trung Quốc. Kế hoạch này cũng là một phần của “Chương trình ngàn nhân tài” của ĐCSTQ, tuyển dụng nhân tài người Hoa ở Mỹ và những người tài khác làm việc cho Chính phủ Trung Quốc.

Cáo buộc chỉ ra, hợp đồng thường yêu cầu một bản sao công việc của người tham gia khi làm việc tại Mỹ hoặc khi làm việc cho chủ lao động nước ngoài khác, nhằm tận dụng kiến ​​thức của họ để lấy tài sản trí tuệ từ những nơi mà người tham gia đã làm việc.

Cáo buộc bao gồm thông tin chi tiết về điện thoại và e-mail giữa Liễu Trung Tam và các quan chức ĐCSTQ mà giới chức Mỹ có được. Kế hoạch này do Cục chuyên gia nước ngoài của ĐCSTQ phụ trách. Trong thời gian tuyển người Liễu Trung Tam đã hợp tác với Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington và Lãnh sự quán tại New York.

Nhân việc khởi tố Liễu Trung Tam, ông John C. Demers, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp phụ trách vấn đề an ninh quốc gia ngày 17/9 đã tuyên bố: “Chúng ta hoan nghênh các sinh viên và nhà nghiên cứu nước ngoài, bao gồm những người đến từ Trung Quốc; nhưng không hoan nghênh các hành vi gian lận thị thực, đặc biệt là hành vi đại diện cho một chính phủ. Chúng ta sẽ tiếp tục chống lại sự lật đổ của chính phủ Trung Quốc đối với luật pháp nước ta và việc chuyển các thành quả nghiên cứu cùng công nghệ của Mỹ về Trung Quốc để kiếm lợi”.

Hoạt động đánh cắp công nghệ ngang thời đỉnh cao Chiến tranh Lạnh

Tờ “Ngọn đèn Tự do Washington” chia sẻ quan điểm của ông Michael Wessel, Ủy viên Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ – Quốc hội Mỹ, cho biết đây lại là một trường hợp bất ngờ khác mà Trung Quốc dùng biện pháp bất chính để thu về tài sản trí tuệ của nước khác.

Ông Mark Kelton, người từng là Phó ban Chống gián điệp của CIA Mỹ, cho biết “Kế hoạch ngàn nhân tài” này là một phần trong kế hoạch tấn công toàn diện của ĐCSTQ nhắm vào giới doanh nghiệp và công nghiệp của Mỹ. Cách thu về tài sản trí tuệ của ĐCSTQ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Mỹ. “ĐCSTQ đang đánh cắp công nghệ của Mỹ, hầu hết các công nghệ này dùng cho mục đích ngăn chặn các thiết bị quân sự và phòng thủ bị ĐCSTQ và Nga đánh cắp, tình hình đã tương đương giai đoạn đỉnh cao của thời Chiến tranh Lạnh.”

Tờ Epoch Times (Mỹ) cũng dẫn quan điểm của chuyên gia bình luận thời sự Hằng Hà chỉ ra, trong hai năm qua Mỹ đã rất chú ý đến “Kế hoạch ngàn nhân tài” của ĐCSTQ để đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, cả Viện Y tế Quốc gia (NIH) cùng tất cả các tổ chức liên quan đều biết rõ và đã có một số hành động ngăn ngừa. Được biết hiện cả ngàn trường hợp đang bị điều tra và chính phủ đang có biện pháp ngăn chặn.

“Việc truy tố Liễu Trung Tam là một trường hợp mang tính bước ngoặt cho hành động pháp lý về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ,” ông Hằng Hà nhận định, “Nhiều năm qua đã có rất nhiều người trong mạng lưới ĐCSTQ tham gia gian lận quyền sở hữu trí tuệ đã bị truy tố hoặc xử lý hành chính, nhưng chỉ có một trường hợp là người của Văn phòng chính quyền tỉnh Giang Tô có liên quan đến hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ, đối với các quan chức thuộc Chính phủ của ĐCSTQ bị truy tố vì đi tuyển dụng nhân tài nước ngoài, đây có thể là trường hợp đầu tiên bị công khai.”

Ông chỉ ra rằng các trường hợp khác thường chỉ là vấn đề tội phạm cá nhân, còn Liễu Trung Tam thì không phải diện tội phạm cá nhân. Mặc dù về mặt truy tố và kết án vẫn là một cá nhân, nhưng thực tế vụ việc nhắm vào chính sách của ĐCSTQ và hành vi của chính phủ ĐCSTQ.

Hiệp hội Giao lưu Nhân tài quốc tế của ĐCSTQ có thực sự trao đổi nhân tài?

Theo thông tin công khai, Cục chuyên gia nước ngoài quốc gia của ĐCSTQ được thành lập năm 1986, tiền thân là Cục chuyên gia nước ngoài (thành lập năm 1956) và Văn phòng tiếp nhận chuyên gia Chính phủ (thành lập năm 1950), sau đó một thời gian dài nằm trong Bộ Nhân sự (Bộ Nhân sự và Xã hội). Đến tháng 3/2018 Chính phủ của ĐCSTQ tổ chức lại Bộ Khoa học – Công nghệ, đã tích hợp chức năng của Cục Chuyên gia Nước ngoài vào Bộ Khoa học Công nghệ. Dù vậy, tên gọi Cục chuyên gia nước ngoài vẫn được giữ lại.

Bộ Khoa học – Công nghệ và Cục Chuyên gia Nước ngoài là các đơn vị chủ chốt của “Chương trình ngàn nhân tài” của ĐCSTQ. Trang web ban đầu của Cục Chuyên gia Nước ngoài hiện đã bị đóng, còn nội dung liên quan đã được chuyển đến trang web của Bộ Khoa học – Công nghệ. Việc thay đổi phương thức tổ chức cũng dẫn đến làm thay đổi các chức năng của tổ chức này.

Theo cáo trạng hình sự của tòa án New York cho biết, “Liễu Trung Tam đã lãnh đạo ‘đội tiền tuyến’ suốt 26 năm.” “Đội ngũ tiền tuyến” này hiện vẫn đang tuyển dụng các nhà khoa học, học giả, kỹ sư cũng như giới chuyên gia người Mỹ khác để hỗ trợ cho kế hoạch quy mô lớn của ĐCSTQ trong phát triển công nghệ cao.

Theo báo cáo quân sự thường niên mới nhất của Lầu Năm góc, một trong những mục tiêu của “Kế hoạch ngàn nhân tài” nhằm tăng cường xây dựng quân đội của ĐCSTQ.

Ông Hằng Hà chỉ ra rằng Hiệp hội Giao lưu Nhân tài quốc tế của ĐCSTQ không tham gia trao đổi nhân tài vì trao đổi là phải theo hai chiều, còn CAIEP chỉ đưa nhân tài từ các nước phương Tây sang Trung Quốc, thẳng thắn thì đó là đánh cắp sở hữu trí tuệ. Vì chính sách mềm mỏng của Chính phủ Mỹ xưa này đã khiến ĐCSTQ thực hiện điều này một cách công khai kéo dài nhiều thập niên qua.

Ông cho biết Văn phòng đại diện New York của Hiệp hội Giao lưu Nhân tài quốc tế ĐCSTQ đã được thành lập hơn 30 năm, nhưng chỉ gần đây mới bắt đầu gặp rắc rối. “Những năm gần đây người Mỹ đã thức tỉnh, đặc biệt chú ý đến hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ. Trên thực tế, hành động của CAIEP ở Mỹ có phần bất hợp pháp, không đoàng hoàng. Vì Mỹ đã cẩn trọng hơn nên CAIEP gặp khó khăn hơn, cũng đặc biệt khó khăn nếu xin thị thực bằng cách thông thường, vì vậy đã có hành vi gian lận thị thực.”

Huệ Anh

Xem thêm: