Trung Quốc và Mỹ đã đổ lỗi cho nhau sau thất bại của cuộc họp an ninh hàng hải cấp cao trong tuần này, một dấu hiệu mới nhất cho thấy căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa hai cường quốc địch thủ trong lĩnh vực quân sự.

Embed from Getty Images

Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ cho biết quân đội Trung Quốc đã không thèm xuất hiện tại cuộc họp trực tuyến được lên kế hoạch với Bộ Quốc phòng Mỹ hôm thứ Năm. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) cho biết người Mỹ đã cố gắng gây sức ép và hai bên đã không thống nhất trước được về chương trình nghị sự.

Theo kế hoạch, cuộc họp dự kiến diễn ra trong 3 ngày (14-16/12) theo Hiệp định Tham vấn Hàng hải Quân sự (MMCA) dành cho các sĩ quan là một phần của cơ chế tăng cường an toàn hàng hải, cải thiện an toàn hoạt động trên không và trên biển, đồng thời giảm thiểu rủi ro giữa quân đội hai nước.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương, cơ quan đóng vai trò hàng đầu trong đối thoại khu vực của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, PLA đã không tham dự cuộc họp vốn được cả hai bên đồng ý. 

“Việc [Trung Quốc] từ chối tham gia MMCA là một ví dụ khác [cho thấy] rằng Trung Quốc không tôn trọng các thỏa thuận của mình và điều này sẽ là lời nhắc nhở cho tất cả các quốc gia khi họ theo đuổi các thỏa thuận với Trung Quốc trong tương lai,” Đô đốc Phil Davidson nói hôm thứ Năm.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương cho biết họ đã đăng nhập vào hội nghị trực tuyến từ xa và sẵn sàng tham gia trong cả ba ngày diễn ra sự kiện, nhưng PLA đã không xuất hiện.

Tuyên bố của Mỹ cho biết quân đội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tìm kiếm “một mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định và hướng tới kết quả” với PLA và sẽ giải quyết bất kỳ mối quan tâm nào của quân đội Trung Quốc tại một “diễn đàn thích hợp”.

Cuối ngày thứ Năm, Hải quân PLA cho biết ngày 18/11 trước đây, phía Trung Quốc đã đệ trình các chủ đề và thỏa thuận được đề xuất cho cuộc gặp, nhưng hai bên chưa đạt được thống nhất.

“Phía Hoa Kỳ vẫn kiên trì thúc đẩy các ý tưởng đơn phương của mình, tự ý kéo dài thời gian, thay đổi tính chất của cuộc họp thường niên, thậm chí cố gắng ép buộc Trung Quốc tham gia cuộc họp khi hai bên chưa thống nhất về các chủ đề,” phát ngôn viên Hải quân Trung Quốc, Thiếu tá Liu Wensheng nói.

Điều này là “không chuyên nghiệp, không thân thiện và không có tính xây dựng”, thể hiện “phong cách bắt nạt nhất quán của phía Hoa Kỳ và vi phạm các thông lệ quốc tế”, ông Liu nói. Ông cho biết thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc với Hoa Kỳ để cuộc gặp có thể diễn ra. 

Diễn biến mới nhất đã thể hiện mâu thuẫn căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ trên nhiều khía cạnh trong suốt thời gian qua, bao gồm các vấn đề thương mại, công nghệ, Hồng Kông, Biển Đông và hệ tư tưởng.

Lo ngại về khả năng xảy ra đụng độ giữa hai cường quốc quân sự lớn nhất thế giới ngày càng gia tăng, phần lớn là do liên lạc giữa hai quân đội giảm mạnh kể từ năm 2018, khi Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMAC) – cuộc diễn tập tác chiến hàng hải quốc tế lớn nhất thế giới. Động thái khi đó của Mỹ nhằm để trả đũa việc PLA triển khai các hệ thống tên lửa và máy bay ném bom ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông.

Sự thù địch tiếp tục gia tăng trong năm nay, khi Bắc Kinh phàn nàn về số lượng máy bay do thám của quân đội Mỹ trên Biển Đông, điều mà họ coi là gia tăng khiêu khích, đặc biệt khi một số máy bay được cho là hoạt động chỉ cách bờ biển Trung Quốc chưa đầy 100km.

Trong khi đó, Mỹ đã bày tỏ lập trường cứng rắn, bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông. Việc Washington bán vũ khí gần đây cho Đài Loan, nơi Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ của mình, cũng khiến chính phủ Trung Quốc tức giận.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã tổ chức một cuộc điện đàm vào tháng 8, trong đó họ đồng ý duy trì liên lạc để giảm thiểu rủi ro của các cuộc đụng độ quân sự.

Một số cuộc đàm phán song phương đã diễn ra sau đó, bao gồm một cuộc hội đàm qua điện thoại vào tháng 10 của Nhóm Công tác về Truyền thông Khủng hoảng giữa quân đội hai nước.

Quân đội Mỹ và Trung Quốc đã thiết lập cơ chế tham vấn an ninh hàng hải vào năm 1998 để ngăn chặn xung đột trên không và trên biển. Cuộc họp cuối cùng giữa hai bên được tổ chức ở thành phố Thanh Đảo, miền đông Trung Quốc vào tháng 6 năm 2019.

Lê Vy (theo SCMP)

Xem thêm: