Các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh, vốn luôn giữ bí mật, cũng đã tích cực công khai các đánh giá tình báo trong cuộc chiến Nga – Ukraine. Động thái khác thường này đã thu hút được sự chú ý.

Joe Biden và Boris Johnson
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh ghép từ Shutterstock)

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai, các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh đã sẵn sàng công khai các đánh giá tình báo bí mật của họ về những gì đang xảy ra trên chiến trường và bên trong Điện Kremlin.

Thông tin tình báo của Mỹ được giải mật trong tuần này cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bị cố vấn của mình đánh lừa, vì họ sợ nói với ông ấy rằng quân đội Nga đang làm việc tồi tệ như thế nào ở Ukraine.

Đồng thời, Vương quốc Anh cũng đưa ra một tín hiệu tương tự đối với Mỹ. Ngày 31/3, người đứng đầu cơ quan tình báo của Anh cho biết ông Putin đã đánh giá sai tình hình ở Ukraine và các cố vấn của ông sợ phải nói cho ông biết điều gì đang thực sự xảy ra ở đó.

Ông Jeremy Fleming, người đứng đầu cơ quan tình báo điện tử của Vương quốc Anh, Tổng bộ Thông tin Chính phủ (Government Communications Headquarters, GCHQ), đã có những nhận xét nói trên trong một phát biểu công khai. Ông cho biết “tốc độ và quy mô” của việc tung tin tình báo bí mật thực sự là “chưa từng có”.

Ông nói: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​những người lính Nga – thiếu vũ khí, tinh thần thấp, không chịu tuân theo mệnh lệnh, phá hoại thiết bị của họ, thậm chí vô tình bắn rơi máy bay của họ. Mặc dù chúng tôi tin rằng các cố vấn của ông Putin không dám nói sự thật với ông ấy, nhưng điều gì đã xảy ra và mức độ của những tính toán sai lầm này phải khiến cho chính quyền này hiểu rõ.”

Ông Jeremy Fleming còn nói, ông Putin cũng đã đánh giá thấp hậu quả kinh tế của các lệnh trừng phạt và khả năng quân sự của Nga.

Ông Mark Galeotti, một chuyên gia về Nga tại Đại học College London (University College London), cho biết, chiến dịch tình báo công khai phản ánh một thực tế rằng “chúng ta hiện đang sống trong một thời đại khác, cả về chính trị và quốc tế. Đó là một cuộc chiến khác.”

Một số mục đích của việc Mỹ và Anh thường xuyên tiết lộ thông tin tình báo

Theo hãng tin AP, các quan chức cho biết các hoạt động tình báo đã được giải mật của Mỹ và Vương quốc Anh bao gồm các cuộc họp giao ban thường xuyên với các phóng viên ở Washington và London, cũng như các cập nhật hàng ngày trên Twitter từ Bộ Quốc phòng Anh. Cách làm này là có một số mục đích. Một phần để cho ông Putin biết rằng ông đang bị theo dõi và khiến ông đặt câu hỏi về những gì ông đã được nói; cũng là để khiến cho quân đội Nga nói cho ông Putin biết sự thật, đồng thời truyền đạt cho công chúng Nga rằng họ đang bị lừa dối về cuộc chiến.

Bộ Quốc phòng Anh cung cấp các đánh giá tình báo hàng ngày về cuộc chiến Nga – Ukraine. Đánh giá này thường được số lượng lớn các phương tiện truyền thông trích dẫn.

Các đánh giá tình báo do Mỹ và Anh công bố với hy vọng có thể ngăn chặn hành động của Nga. Cảnh báo mới nhất nói rằng Nga có khả năng đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine. Theo hãng tin AP tại Mỹ, đây là một phần của chiến lược xuyên Đại Tây Dương đã được phương Tây phối hợp chặt chẽ trong nhiều tháng.

Các quan chức chính quyền Biden cho biết, họ quyết định tích cực chia sẻ thông tin tình báo và phối hợp truyền tin với các đồng minh quan trọng, bao gồm cả Anh. Những lo ngại của Mỹ về việc Nga triển khai quân đội vào mùa thu năm 2021 đã khiến cộng đồng tình báo phải cảnh giác cao độ.

Đầu tháng 11/2021, Mỹ đã cử Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) William Burns đến Moscow để cảnh báo đối phương rằng Mỹ hoàn toàn biết rõ về các động thái quân sự của Nga. Nhà Trắng thường kín tiếng về chuyến đi của giám đốc CIA, nhưng chính quyền Biden cân nhắc rằng trong trường hợp này, họ cần thông báo rộng rãi về chuyến đi này. Đại sứ quán Mỹ tại Moscow đã thông báo ngay sau chuyến đi của ông Burns rằng ông đã gặp các quan chức cấp cao của Điện Kremlin.

Ngay sau chuyến thăm của ông William Burns tới Moscow, các quan chức Mỹ quyết định họ cần tăng tốc độ chia sẻ thông tin tình báo.

Các quan chức Mỹ đã chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm với các thành viên khác của “Liên minh Ngũ nhãn” (Five Eyes, gồm cả Anh, Canada, Úc và New Zealand) và Ukraine. Một quan chức Mỹ (giấu tên) nói với hãng tin AP rằng giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, bà Avril Haines, đã được cử đến Brussels để thông báo cho các thành viên NATO về mối quan ngại ngày càng tăng của Mỹ rằng Nga dường như đang có ý định xâm lược Ukraine.

Vào tháng Một, khi Nga tập kết quân đội gần biên giới Ukraine, Bộ Ngoại giao Anh đã đưa ra tuyên bố khẳng định ông Putin muốn có một chế độ thân Moscow ở Ukraine. Vào thời điểm đó, Vương quốc Anh cho biết họ đang công khai đánh giá tình báo do “tình huống đặc thù”.

Cuộc xâm lược ngày 24/2 của Nga phần lớn khiến những người hoài nghi im lặng và gây ra phản ứng thống nhất của NATO. Các quan chức và nhà phân tích nói rằng việc tiết lộ thông tin tình báo của Mỹ và Anh là một phần trong nỗ lực cải thiện sự thống nhất của phương Tây. Các nguyên thủ của Mỹ và Anh nghi ngờ rằng liệu ông Putin có nghiêm túc về các cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh hay không, đồng thời họ hy vọng duy trì sự ủng hộ về quân sự và tinh thần của phương Tây đối với Ukraine.

Nhà Trắng hy vọng việc ông Putin hiểu thông tin tình báo chân thực sẽ giúp ông xem xét lại chiến lược tại Ukraine

Tác động của việc tiết lộ thông tin tình báo của Mỹ và Anh ở Nga là khó đo lường. Quan chức Mỹ chia sẻ với AP rằng Nhà Trắng hy vọng việc tiết lộ thông ông Putin bị báo cáo sai sẽ có tác dụng giúp ông xem xét lại các lựa chọn của mình ở Ukraine. Nhưng kiểu tuyên truyền như vậy cũng có rủi ro, có khả năng cô lập ông Putin hơn nữa hoặc khiến ông phải tăng gấp đôi nỗ lực khôi phục danh tiếng đã mất của Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Quan chức này cho biết, ông Biden bị ảnh hưởng một phần bởi niềm tin rằng “Putin sẽ làm những gì Putin làm” bất chấp việc cộng đồng quốc tế ngăn cản ông ấy (Putin) như thế nào.

Hãng tin AP dẫn lời chuyên gia Nga Mark Galeotti cho rằng các cơ quan tình báo phương Tây có thể không biết những nỗ lực của họ sẽ ảnh hưởng đến ông Putin đến mức nào.

“Nhưng thử một chút thì không có hại gì”, ông nói. “Bởi vì nói tóm lại, trong hệ thống (chính phủ) chủ nghĩa cá nhân ở mức độ cao này, nếu có một câu, hoặc một khái niệm cụ thể, tình cờ lướt qua và lưu lại trong tâm trí Putin, vậy thì đây chính là một kết quả thực sự mạnh mẽ.”