Một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên hôm thứ Sáu (30/8) đã tiết lộ với Reuters rằng Mỹ và Ba Lan có thể ký một thỏa thuận nhằm đảm bảo an ninh mạng di động 5G khi Phó Tổng thống Mike Pence tới thăm Ba Lan trong vài ngày tới.

Embed from Getty Images

Tổng thống Trump tiếp Tổng thống Ba Lan Duda tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng Sáu.

Phó Tổng thống Mike Pence sẽ rời Washington D.C vào tối thứ Bảy 31/8 (giờ Mỹ) để thực hiện chuyến công du tới Ban Lan, Ireland, Iceland và Anh thay cho Tổng thống Donald Trump. Ông Trump dự kiến sẽ thực hiện chuyến công du Châu Âu này, nhưng buộc phải ở lại Mỹ để chỉ đạo công tác đối phó với cơn bão Dorian đang đổ bộ vào bờ biển Đại Tây Dương.

Trong chuyến thăm Ba Lan lần này, ông Pence sẽ tham dự lễ kỷ niệm 80 năm ngày bắt đầu Thế Chiến II. Bên cạnh đó, Phó Tổng thống Mỹ cũng sẽ thảo luận với các quan chức Ba Lan về cách duy trì an ninh mạng cho mạng 5G sắp triển khai và về vấn đề Tập đoàn Công nghệ Viễn thông Huawei của Trung Quốc đang bị điều tra hành vi gián điệp.

Thời gian qua, Mỹ đã dẫn dắt một chiến dịch toàn cầu thuyết phục các đồng minh cấm Huawei tham gia xây dựng mạng di động 5G. Chính phủ Mỹ nói rằng Huawei có thể gián điệp khách hàng, đã vi phạm chế tài của Mỹ đang áp đặt lên Iran và đã đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Quan chức Mỹ giấu tên cho biết mục tiêu của thỏa thuận bảo mật 5G Mỹ – Ba Lan sẽ là để bảo vệ hệ thống mạng di động này không bị xâm nhập trái phép, cũng như ngăn chặn sự can thiệp từ các nhà cung cấp thiết bị viễn thông do “các nước thù địch” kiểm soát.

Những bước quan trọng đã được thực hiện để phát triển một cách tiếp cận chung về bảo mật mạng 5G giữa hai nước [Mỹ, Ba Lan] nhằm đảm bảo một hệ sinh thái 5G an toàn và mạnh mẽ,” vị quan chức Mỹ nói.

Thông tin mà quan chức Mỹ nêu trên đưa ra là đồng điệu với phát ngôn hôm thứ Năm (29/8) của một quan chức Ba Lan. Vị này nói rằng Ba Lan trong tháng Bảy đã đề xuất thắt chặt tiêu chuẩn an ninh mạng và có thể cấm một số sản phẩm hoặc nhà cung cấp nhất định tham gia vào xây dựng mạng 5G tương lai.

Vị quan chức Ba Lan nói thêm rằng trong thỏa thuận với Mỹ, không một công ty hoặc thiết bị của bất kỳ một quốc gia cụ thể nào sẽ bị loại bỏ, nhưng cũng khẳng định an ninh và hợp tác với Washington sẽ là một khía cạnh quan trọng.

Kể từ khi ông Trump bước vào nhiệm sở cuối tháng 1/2017, mối quan hệ giữa Mỹ và Ba Lan ngày càng được thắt chặt hơn.

Tổng thống Trump đã thăm chính thức Ba Lan vào tháng 7/2017. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng vừa có chuyến thăm Washington hồi tháng Sáu. Trong chuyến thăm Mỹ đó, hai vị tổng thống Mỹ, Ba Lan đã ký kết một thỏa thuận trong đó Mỹ sẽ điều động 1.000 quân tới đồn trú tại Ba Lan.

Washington cũng đã hoan nghênh Warsaw tuân thủ cam kết tăng chi tiêu quốc phòng đáp ứng các yêu cầu của NATO. Mỹ cũng đang trong giai đoạn xét duyệt cuối cùng để xếp Ba Lan vào nước được hưởng chương trình miễn thị thực Mỹ.

Xuân Thành

Xem thêm: