Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai thông báo hôm thứ Tư (12/1), Washington có kế hoạch hợp tác với Liên minh châu Âu nhằm ứng phó với các hoạt động phi thị trường của Trung Quốc trong ngành hàng không vũ trụ.

Embed from Getty Images

Quan chức thương mại hàng đầu của Washington cũng thúc đẩy hợp tác ba bên với EU và Nhật Bản, coi đây là biện pháp tốt nhất để xây dựng mối quan hệ kinh tế với “các giá trị dân chủ”. Tuy nhiên, bà né tránh câu hỏi về việc liệu chính quyền Biden có kế hoạch đàm phán gia nhập một khối thương mại Vành đai Thái Bình Dương mà cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi hay không.

Tại cuộc thảo luận trực tuyến do Viện Các vấn đề Quốc tế và Châu Âu có trụ sở tại Dublin tổ chức, bà Tai cho hay, thỏa thuận năm ngoái giữa Mỹ và EU về trợ cấp cho Boeing và Airbus đã tạo cho họ một nền tảng để giải quyết các hoạt động “gây hại” mà Bắc Kinh tiến hành trong nỗ lực cạnh tranh trên thị trường máy bay thương mại toàn cầu.

“Để giải quyết bất đồng này, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu hiện có thể hướng sự chú ý của chúng ta đến việc giải quyết các hành vi phi thị trường gây hại trong lĩnh vực này, từ các quốc gia như Trung Quốc đang bóp méo thị trường hàng không vũ trụ và tạo ra một sân chơi thực sự không bình đẳng cho phần còn lại của thế giới,” bà Tai nhấn mạnh.

Chính quyền Trung Quốc thường yêu cầu các công ty nước ngoài thành lập liên doanh với các công ty trong nước, và điều này khiến các tập đoàn phương Tây thường xuyên phàn nàn rằng có thể dẫn đến hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.

Thực trạng này được coi là yếu tố chính cản trở việc Trung Quốc tự mình phát triển một mẫu máy bay thương mại trong nước có thể cạnh tranh với các mẫu máy bay do Boeing và Airbus sản xuất. Bất chấp sự thận trọng, Tổng công ty Máy bay Thương mại Nhà nước Trung Quốc (Comac) dự kiến ​​sẽ tham gia thị trường máy bay thân hẹp với máy bay phản lực C919 trong năm nay.

Bà Tai còn nhận định, việc chấm dứt thuế quan đối với thương mại kim loại công nghiệp Mỹ-EU và đạt được thỏa thuận với một số nước châu Âu – bao gồm Pháp và Ý – nhằm loại bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số đã tạo thêm động lực trong việc củng cố một liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Bà nói thêm, kế hoạch tổ chức cuộc họp lần thứ hai của Hội đồng Công nghệ và Thương mại Hoa Kỳ-Liên minh Châu Âu (TTC) trong năm nay, sau cuộc họp khai mạc vào tháng 9, sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.

“Chính quyền Biden-Harris sẽ sử dụng TTC… để thúc đẩy các giá trị dân chủ được chia sẻ của chúng ta, đồng thời bảo vệ các quyền cơ bản của công nhân và lao động. Chúng tôi cũng đã khôi phục lại mới quan hệ đối tác ba bên với EU và Nhật Bản để giải quyết những thách thức toàn cầu do các chính sách và thực tiễn phi thị trường đặt ra.”

Khi được hỏi liệu Washington có tìm cách gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay không, bà Tai chỉ phản hồi rằng chính quyền Biden đang tìm cách xây dựng một “khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương” rộng lớn hơn.

“Các quan hệ đối tác và cầu nối mà chúng tôi đang tìm cách xây dựng… đáp ứng nhu cầu mà tất cả các nhà hoạch định chính sách kinh tế của chúng tôi đang phải đối mặt ngay lúc này liên quan đến việc đảm bảo rằng, việc gia nhập thương mại của chúng tôi được chú trọng và hỗ trợ cho tính bền vững, khả năng phục hồi, tính toàn diện và cả khả năng cạnh tranh,” bà khẳng định.

Các nhà lãnh đạo thương mại ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản hồi tháng 11 cho biết, họ đã đồng ý tái khôi phục lại quan hệ đối tác ba bên, vốn do chính quyền Trump chủ trương, nhằm giải quyết những thách thức toàn cầu do “các chính sách và thông lệ phi thị trường của các nước thứ ba” gây ra, mà chủ yếu là nhắm tới Trung Quốc.

Minh Ngọc (Theo SCMP)

Xem thêm: