Sau khi Triều Tiên thông qua học thuyết sử dụng hạt nhân đầu tiên vào tuần trước, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã cảnh báo, bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Triều Tiên đều sẽ phải đối mặt với một phản ứng “hủy diệt và dứt khoát”.

48162590612 7be2d251e0 k
Mỹ và Hàn Quốc sẽ “đáp trả mạnh mẽ” nếu Triều Tiên phát động tấn công hạt nhân (Ảnh: Nhà Trắng)

Sau cuộc họp cấp thứ trưởng của Nhóm Tư vấn và Chiến lược Răn đe Mở rộng (EDSCG) hôm thứ Sáu (16/9), Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó hai đồng minh bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về luật hạt nhân của Triều Tiên.

Hàn Quốc và Hoa Kỳ nhấn mạnh, họ sẽ sử dụng “tất cả lợi thế hiện có” bao gồm các công cụ ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế để tăng cường khả năng răn đe đối với mối đe dọa hạt nhân do Triều Tiên gây ra.

Tuyên bố chung nêu rõ: “Hoa Kỳ cam kết tăng cường phối hợp với Hàn Quốc để tiếp tục triển khai và sử dụng các tài sản chiến lược trong khu vực này một cách kịp thời và hiệu quả nhằm răn đe và ứng phó với [Triều Tiên] cũng như tăng cường an ninh trong khu vực.”

Hai đồng minh đã đề cập đến việc huấn luyện kết hợp các máy bay chiến đấu F-35A vào tháng 7 và việc triển khai sắp tới của Nhóm Tấn công Tàu sân bay USS Ronald Reagan trong khu vực như “một minh chứng rõ ràng cho cam kết đó của Hoa Kỳ”.

Họ cũng cảnh báo: “Hoa Kỳ và Hàn Quốc tái khẳng định rằng một vụ thử hạt nhân [của Triều Tiên] sẽ phải đối mặt với một sự đáp trả toàn chính phủ mạnh mẽ và dứt khoát.”

Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã nhất trí tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu chiến lược thông qua việc chia sẻ thông tin tốt hơn, huấn luyện, và tập trận. Cả hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ và “sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.”

Luật hạt nhân của Triều Tiên

Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), tuần trước Triều Tiên đã thông qua một đạo luật mới cho phép nước này tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân “tự động” chống lại bất kỳ “thế lực thù địch nào” gây ra mối đe dọa đối với quốc gia này.

Đạo luật này quy định, Triều Tiên sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân như biện pháp cuối cùng, nhưng lực lượng hạt nhân sẽ là chính sách hàng đầu của quốc phòng để bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và người dân của quốc gia này.

Theo KCNA, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhấn mạnh, đạo luật này sẽ khiến vị thế của Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân “không thể thay đổi”.

Trong bài phát biểu của mình, ông Kim đã đề cập Hoa Kỳ như “quốc gia kẻ thù hạt nhân” của Triều Tiên, đồng thời đổ lỗi cho Hàn Quốc làm trầm trọng thêm căng thẳng quân sự trong khu vực với tư thế là đối tác phòng thủ chung với Washington.

Hôm 9/9, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nhắc lại, Hoa Kỳ “không có ý định thù địch” đối với Triều Tiên và tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao.

Bà lưu ý, Washington sẵn sàng gặp Bình Nhưỡng mà không có điều kiện tiên quyết, nhưng Triều Tiên đã phớt lờ những nỗ lực này.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đề nghị cung cấp cho Triều Tiên cái mà ông gọi là “một kế hoạch táo bạo” sẽ “cải thiện đáng kể nền kinh tế của quốc gia này [Triều Tiên] và sinh kế của người dân của họ theo từng giai đoạn” để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Tuy nhiên, Triều Tiên đã từ chối lời đề nghị của Tổng thống Yoon. Chủ tịch Kim của Triều Tiên khẳng định, sẽ không có đàm phán, thương lượng, hoặc “mặc cả” về việc phi hạt nhân hóa trong quá trình đó.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)