Từng bước một, nước Mỹ đang đánh vào những nguyên lý cốt lõi trong tầm nhìn của ông Tập về một Trung Quốc đang trỗi dậy đã sẵn sàng đảm nhận vị trí siêu cường.

Mỹ Trung và cuộc đối đầu định mệnh cover
Trong nhiều năm, giới quan sát đã gạt bỏ ý tưởng rằng một cuộc Chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc đang xuất hiện. Nhiều người cho rằng tình trạng thế giới ngày nay đơn giản là không thể so sánh được với hàng thập kỷ Mỹ và Liên bang Xô viết đối đầu trong cuộc đấu tranh sinh tồn giành quyền bá chủ. 

Thế nhưng trong thời điểm hiện tại, khi các lằn ranh được vạch ra và mối quan hệ giữa hai nước đang rơi tự do, một cuộc đối đầu có nhiều đặc điểm của chiến tranh lạnh đang dần thành hình. 

Xung đột giữa hai nước xảy ra trong nhiều lĩnh vực: từ không gian mạng, không gian vũ trụ, đến công nghệ, thương mại, eo biển Đài Loan, Biển Đông, Hồng Kông, thậm chí cả vịnh Ba Tư. Và đại dịch virus corona cùng với những hành động hiếu chiến gần đây của Trung Quốc từ Thái Bình Dương đến dãy Himalaya đã biến mâu thuẫn giữa Trung Quốc với khối đồng minh chiến lược của Mỹ càng trở nên sâu sắc. 

Tổng thống Trump đã nhiều lần gọi virus corona là “virus Trung Quốc”, cáo buộc Bắc Kinh che giấu dịch bệnh khiến virus lây lan toàn cầu và gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong khi đó, phía Trung Quốc cho rằng Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc để che đậy sự yếu kém của mình trong việc xử lý đại dịch.

Liên quan đến công nghệ, Mỹ không chỉ cấm Huawei mà còn ép các đồng minh từ bỏ gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc trong việc phát triển mạng 5G. Mới đây nhất, Anh Quốc cho biết sẽ ngừng sử dụng thiết bị mới của Huawei trong mạng lưới của mình. Chính quyền TT Trump cũng quyết tâm chặt đứt nguồn cung của Huawei về vi mạch và các thiết bị khác bằng cách lôi kéo ngành sản xuất vi mạch của Đài Loan, vốn là nguồn cung quan trọng với chuỗi cung ứng của Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc khác, tới gần sân sau của mình hơn.

Trong vòng vài tuần qua, chính quyền ông Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt về các chính sách của ĐCSTQ đối với Hồng Kông và Tân Cương. Hôm thứ Hai (13/7), Mỹ lại thách thức những yêu sách của Trung Quốc tại biển Đông, từng bước chuẩn bị cho cuộc đối đầu gay gắt hơn.

Hôm 14/7, Tổng thống Trump cho biết ông đã ký ban hành một đạo luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì Luật An ninh quốc gia, cùng với một sắc luật hành pháp chấm dứt hiệp ước ưu đãi thương mại đối với Hồng Kông.

Đáp lại, Bắc Kinh đã tố Mỹ đẩy mối quan hệ giữa hai nước xuống tới điểm thấp nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979.

“Chính sách về Trung Quốc hiện tại của Mỹ dựng trên cơ sở tính toán chiến lược thông tin sai lầm, đầy cảm tính, tùy tiện và dựa trên sự mù quáng của chủ nghĩa McCarthy,” Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói vào tuần trước, gợi tới Chiến tranh lạnh để miêu tả tình trạng căng thẳng hiện tại.

“Có vẻ như mỗi nhà đầu tư Trung Quốc đều bị điều khiển bởi chính trị, mỗi sinh viên Trung Quốc đều là gián điệp và mỗi sáng kiến hợp tác đều là một âm mưu với chương trình nghị sự ẩn giấu,” ông bổ sung.

Khảo sát: 95% công ty Mỹ muốn rời bỏ các nhà thầu Trung Quốc

Đối đầu gia tăng khiến dường như hai nước đang buộc các quốc gia khác phải chọn phe. Ví dụ, liên quan đến Luật An ninh Hồng Kông, Trung Quốc đã tập hợp được một số nước đứng lên nói những lời công khai ủng hộ họ. Tại Uỷ ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneve, 53 quốc gia do Cuba đứng đầu đã ký một tuyên bố ủng hộ Luật An ninh. Chỉ 27 quốc gia trong Uỷ ban phản đối điều này, phần lớn là các nền dân chủ châu Âu, cùng với Nhật Bản, Úc và New Zealand. Các nhà quan sát cho rằng việc tạo ra những khối đối lập như vậy không xa lạ với các đặc điểm của Chiến tranh lạnh.

Trung Quốc cũng vận dụng sức mạnh kinh tế khổng lồ của mình như một công cụ cưỡng chế chính trị, cắt đứt nhập khẩu thịt bò và rượu từ Úc vì chính phủ này kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch. Hôm thứ Ba (14/7), Bắc Kinh nói họ sẽ phạt các nhà sản xuất hàng không vũ trụ Lockheed Martin của Mỹ vì gần đây bán vũ khí cho Đài Loan.

Lợi dụng việc thế giới bị phân tâm bởi đại dịch, Bắc Kinh đã viện đến sức mạnh quân sự, thử nghiệm tranh chấp biên giới với Ấn Độ vào tháng Tư và tháng Năm, dẫn đến cuộc đụng độ gây nhiều thương vong nhất kể từ năm 1975.

Trung Quốc có vẻ như ngày càng bất chấp hậu quả của những hành động như vậy. Một tuần sau, họ đưa ra yêu sách lãnh thổ mới ở Bhutan, vương quốc vùng núi liên minh chặt chẽ với Ấn Độ.

Tại biển Đông, sự hung hăng của Trung Quốc đã khiến Mỹ phái hai tàu khu trục tới vùng biển vào tháng trước. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố những yêu sách của Trung Quốc tại đó là bất hợp pháp.

Người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói hôm thứ Ba (14/7) rằng tuyên bố trên của Mỹ đã phá hoại nền hoà bình và an ninh khu vực, khẳng định Trung Quốc đã kiểm soát các đảo ở vùng biển “hàng ngàn năm”. Điều đó rõ ràng là không đúng, bởi nước Cộng Hoà Trung Hoa – sau đó bị kiểm soát bởi lực lượng những người theo chủ nghĩa dân tộc của Tưởng Giới Thạch – chỉ đưa ra yêu sách chính thức vào năm 1948. 

“Trung Quốc cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán với các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp qua đàm phán và tham vấn,” ông Triệu Lập Kiên nói.

Tuy nhiên, các quốc gia trong khu vực không nhìn nhận như vậy. Nhật Bản trong tuần này đã cảnh báo là Trung Quốc đang âm mưu “thay đổi nguyên trạng tại biển Hoa Đông và biển Đông.” Họ gọi Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài nghiêm trọng hơn cả vấn đề quân sự hoá hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Michael A. McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga và là giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Stanford, nói rằng thủ đoạn gần đây của Trung Quốc đã tỏ ra là ”quá mức và thái quá”, ví nó như những khoảnh khắc căng thẳng nhất thời Chiến tranh lạnh, theo New York Times.

Phản ứng dữ dội chống Bắc Kinh dường như đang gia tăng. Căng thẳng đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực công nghệ, lĩnh vực mà Trung Quốc đang cạnh tranh với thế giới trong những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và vi mạch, trong khi kiểm soát chặt chẽ những gì người dân có thể đọc, xem và nghe bên trong đất nước.

Nếu bức tường Berlin là biểu tượng vật chất của cuộc Chiến tranh lạnh lần thứ nhất, Vạn lý Tường Lửa có thể là biểu tượng ảo của cuộc Chiến tranh lạnh mới.

Được “xây dựng” để ngăn chặn công dân Trung Quốc khỏi các quan điểm không được Đảng Cộng sản cho phép, Vạn Lý Tường Lửa giờ trở thành một biểu tượng ngăn cách sâu hơn giữa Trung Quốc và phần lớn thế giới phương Tây.

Trong phát biểu của mình, ông Vương Nghị nói Trung Quốc chưa bao giờ áp đặt cách thức của họ đối với nước khác. Nhưng họ đã làm chính xác điều đó bằng cách dùng phần mềm Zoom để kiểm duyệt các cuộc nói chuyện diễn ra tại Mỹ và bằng cách triển khai các cuộc tấn công mạng vào người Duy Ngô Nhĩ trên toàn cầu.

Ông Zhao Kejin, một giáo sư về quan hệ quốc tế Đại học Thanh Hoa, viết trong một tài liệu gần đây rằng “Quan hệ Mỹ – Trung đang đối mặt với thời điểm nghiêm trọng nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.”

Xuân Lan (t/h)

Xem thêm: