Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Ba (11/9) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “đàn áp ngày càng tồi tệ” các cộng động thiểu số người Hồi giáo tại khu vực Tân Cương. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đến vào thời điểm chính phủ Trump được cho là đang cân nhắc áp đặt chế tài đối với các quan chức cấp cao ĐCSTQ và các công ty liên quan tới các cáo buộc lạm dụng nhân quyền.

Embed from Getty Images

Cảnh sát chính quyền ĐCSTQ đi tuần tại khu vực Tân Cương

Reuters, dẫn các nguồn tin từ quốc hội Mỹ, cho biết những cuộc thảo luận về chế tài quan chức ĐCSTQ được thúc đẩy bởi các báo cáo đáng tin cậy gần đây về việc chính quyền Trung Quốc đang bắt giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và các cộng động thiểu số Hồi giáo khác tại khu vực Tân Cương, gia tăng sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói trong cuộc họp báo thường nhật hôm 11/9: “Chúng tôi cực kỳ lo lắng về đàn áp ngày càng tồi tệ, không chỉ với người Duy Ngô Nhĩ, mà còn với người Kazakhs và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác tại một khu vực ở Trung Quốc”.

Vào tháng trước, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói rằng họ đã nhận được các báo cáo tin cậy về việc có hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ có thể đã bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương và kêu gọi chính quyền ĐCSTQ phải thả tự do cho những người này.

Có những báo cáo đáng tin cậy cho thấy có nhiều, nhiều ngàn người đã bị giam giữ tại các trung tâm giam giữ từ tháng 4/2017, điều mà chúng ta có thể nói cho tới nay là con số này khá đáng kể”, bà Nauert cho biết.

Bà Nauert cũng đã xác nhận rằng vào cuối tháng Tám, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhận được một lá thư của một nhóm các nhà lập pháp Mỹ ở cả hai đảng yêu cầu Ngoại trưởng Mike Pompeo áp đặt chế tài lên một số quan chức ĐCSTQ bị cáo buộc giám sát các chính sách [đàn áp tôn giáo]. Trong đó có Bí thư ĐCSTQ tại Tân Cương, ông Chen Quanguo và một thành viên của Bộ Chính trị, ĐCSTQ.

Các nhà lập pháp Mỹ cũng đề nghị chế tài một số công ty Trung Quốc liên quan đến việc xây dựng các trại tập trung và sản xuất, lắp đặt hệ thống giám sát được sử dụng để theo dõi và giám sát người Duy Ngô Nhĩ, Reuters dẫn theo một nguồn tin từ quốc hội Mỹ.

Trong buổi họp báo hôm 11/9, bà Nauert đã từ chối thông tin chi tiết về bất kỳ hành động nào của chính phủ Mỹ. “Chúng tôi sẽ không tiết lộ trước bất kỳ chế tài nào có thể hoặc không thể xảy ra”, bà Nauert nói.

Chính phủ Mỹ có thể áp đặt chế tài lên quan chức ĐCSTQ chiếu theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu. Luật này cho phép chính phủ Mỹ nhắm mục tiêu vào những người vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới bằng việc phong tỏa tài sản của họ tại Mỹ, cấm họ di trú tới Mỹ và cấm người Mỹ kinh doanh với những người bị chế tài này.

Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ hôm 11/9 đã đăng lên Twitter một bức ảnh của nhà hoạt động Dolkun Isa – Chủ tịch Quốc hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, có mặt tại Nhà Trắng hôm 10/9, cùng lời bình, “Một cuộc gặp với các quan chức Nhà Trắng hôm nay đem đến nhiều động lực cần thiết cho việc ủng hộ nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ”.

Reuters cho biết ông Dolkun Isa đang ở Brussels và hãng tin này đã có cuộc trao đổi với nhà hoạt động nhân quyền qua điện thoại để yêu cầu thông tin thêm về cuộc gặp tại Nhà Trắng, nhưng ông Isa từ chối tiết lộ ông đã gặp những quan chức nào trong chính phủ Trump.

Theo Reuters, ông Isa nói rằng ông ấn tượng với người Mỹ khi “họ đang xem xét nghiêm túc” việc áp đặt chế tài lên các quan chức ĐCSTQ, trong đó có ông Chen Quanguo, Bí thư ĐCSTQ tại Tân Cương.

Trong khi đó, vào sáng thứ Ba (11/9), chính quyền ĐCSTQ đã phát đi tuyên bố yêu cầu Giám đốc nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet phải tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc sau khi bà Bachelet lên tiếng thúc giục Bắc Kinh cho phép các giám sát viên Liên Hiệp Quốc vào khu vực Tân Cương và bày tỏ quan ngại về tình hình tại khu vực này.

Theo Reuters, chính quyền ĐCSTQ đã nói rằng Tân Cương đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các chiến binh Hồi giáo và phần tử ly khai, những người có âm mưu tấn công và khuấy động mâu thuẫn giữa cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ và đa số người Hán.

Xuân Thành

Xem thêm: