Hôm 21/1, Mỹ đã kêu gọi Nga phá hủy tất cả hệ thống tên lửa vi phạm Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Washington cũng cáo buộc Moscow có nhiều hành động gây mất an ninh toàn cầu.

Embed from Getty Images

Đại sứ Mỹ Robert Wood

Những phát biểu của Mỹ do Đại sứ Mỹ Robert Wood – đại diện thường trực của Mỹ tại Hội nghị Giải trừ quân bị kiêm đặc sứ Mỹ về Các vấn đề Công ước Vũ khí Sinh học và Độc tố – phát biểu tại Hội nghị về Giải trì quân bị do Liên Hiệp Quốc tổ chức hôm 21/1.

Ông Robert Wood nói rằng hệ thống tên lửa SSC-8 của Nga là “mối đe dọa tiềm năng và trực tiếp đối với Châu Âu và Châu Á.”

“Thật không may, Mỹ ngày càng phát hiện rằng Nga không đáng tin trong việc tuân thủ các cam kết của họ về kiểm soát vũ khí và những hành động gây hại và cưỡng chế của họ trên toàn cầu đã làm gia tăng mâu thuẫn… Nga phải phá hủy một cách có kiểm chứng tất cả tên lửa SSC-8, máy phóng và các thiết bị đi kèm để trở lại tuân thủ Hiệp ước INF.” Reuters dẫn phát biểu của Đại sứ Robert Wood.

Phái đoàn Nga tại Hội nghị Giải trừ quân bị không đưa ra phản hồi sau tuyên bố của ông Wood. Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã nói rằng Moscow sẽ sản xuất nhiều hệ thống tên lửa bị cấm hơn nếu Washington rút khỏi Hiệp ước INF.

Mỹ đã cáo buộc Nga triển khai hệ thống tên lửa vi phạm Hiệp ước INF từ giữa những năm 2000.

Reuters cho rằng những yêu cầu của ông Wood đối với Nga hôm 21/1 là dấu hiệu cho thấy các nỗ lực của đồng minh Mỹ tại Châu Âu nhằm thuyết phục Nga quay lại tuân thủ INF chưa đạt kết quả.

Vào ngày 4/12/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gửi thông điệp tới Nga yêu cầu nước này có 60 ngày để phá hủy các hệ thống tên lửa vi phạm INF, nếu không Mỹ sẽ chính thức rút khỏi thỏa thuận vũ khí này vào đầu tháng 2/2019. Vào thời điểm đó, ông Pompeo tiết lộ với báo giới rằng chính các đồng minh Châu Âu của Mỹ đã vận động Washington đặt ra thời hạn 60 ngày để họ gia tăng chiến dịch ngoại giao nhằm nỗ lực giải quyết bế tắc với Điện Kremlin.

Nếu Mỹ chính thức thông báo rút khỏi INF từ đầu tháng Hai, thì việc rút lui này sẽ có hiệu lực vào 6 tháng sau đó.

Trước đó, vào tháng 10/2018, Tổng thống Trump đã thông báo ông có ý định rút nước Mỹ khỏi Hiệp ước INF do Nga không tuân thủ thỏa thuận này.

Theo hiệp ước mà Mỹ và Liên Xô (cũ) ký kết năm 1987 – sau này Nga thừa hưởng nghĩa vụ, hai nước đã đồng ý cấm sản xuất, sở hữu và thử hệ thống tên lửa mặt đất tầm ngắn, trung và các thiết bị liên quan. Chỉ Mỹ và Nga bị rằng buộc bởi Hiệp ước INF và cả hai đều lo lắng về Trung Quốc – nước đã phát triển hệ thống tên lửa tầm trung đáng kể.

Mỹ nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF. Các quan chức Nga đã phớt lờ cáo buộc này nhiều năm cho tới năm 2017 khi Mỹ tiết lộ mã nội bộ của Nga cho tên lửa tầm trung: SSC-8/9M729. Sau đó, Nga đã thay đổi giọng điệu, nói rằng hệ thống tên lửa này phù hợp với Hiệp ước INF và Mỹ không có đủ bằng chứng cáo buộc nga vi phạm thỏa thuận.

Ngoài vấn đề INF, tại Hội nghị Giải trừ quân bị, Đại sứ Robert Wood cũng chỉ trích Nga ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria và cung cấp cho Iran “vũ khí tối tân như hệ thống phòng thủ tên lửa S-300.”

Ông Wood cũng nhắc lại việc Nga sử dụng chất độc thần kinh trong nỗ lực ám sát bất thành cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia, tại thành phố Salisbury, Anh Quốc vào tháng 3/2018. Ông Wood cho rằng hành động này của Nga cho thấy “cách hành xử liều lĩnh” của nước này và chứng tỏ họ không tuân thủ cam kết hiệp định cấm sử dụng vũ khí hóa học.

Tân Bình

Xem thêm: