Hiệp hội các nhà sư Phật giáo tại Myanmar đã kêu gọi chính quyền quân sự chấm dứt bạo lực chống lại những người biểu tình và cáo buộc một nhóm “thiểu số có vũ trang” đã tra tấn và giết hại thường dân vô tội kể từ cuộc đảo chính vào tháng trước, kênh truyền thông Myanmar Now đưa tin hôm 17/3.

Embed from Getty Images

Theo trang thông tin Myanmar Now, để lên án cuộc đàn áp nhằm vào những người biểu tình ủng hộ dân chủ, Hiệp hội các nhà sư Phật giáo cho biết rằng các thành viên của họ có ý định dừng mọi hoạt động.

Tại Myanmar, các nhà sư từ lâu đã tham gia tích cực trong các hoạt động dân sự, và là nhóm đi đầu trong cuộc “Cách mạng nghệ tây” năm 2007 chống lại sự cai trị của quân đội. Cuộc “nổi dậy” này mặc dù bị đàn áp, nhưng đã giúp mở ra các cải cách dân chủ cho đất nước Myanmar. 

Lập trường của hiệp hội các nhà sư Phật giáo, được gọi là Ủy ban Tăng già Nhà nước Maha Nayaka, sẽ báo hiệu một sự rạn nứt đáng kể giữa chính quyền và nhóm nhà sư – vốn thường hợp tác chặt chẽ với chính phủ.

Về phần mình, chính quyền quân sự đang tiếp tục xây dựng các cáo buộc chống lại nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, người đã bị giam giữ tại một địa điểm bí mật kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân sự của bà.

Truyền hình MRTV do quân đội kiểm soát đã chiếu cảnh một doanh nhân bất động sản tên là Maung Weik nói rằng anh ta đã đưa cho bà khoảng 550.000 đô la cho 4 khoản thanh toán bất hợp pháp vào năm 2019 và 2020.

Trước đó, quân đội thông báo họ đang điều tra bà Suu Kyi vì nghi ngờ hối lộ, thêm vào nhiều tội danh khác nhau bao gồm nhập khẩu bất hợp pháp thiết bị liên lạc và vi phạm các quy tắc chống virus Vũ Hán.

Luật sư của bà Suu Kyi đã bác bỏ các cáo buộc. Một số chính phủ phương Tây cũng đã tố cáo những cáo buộc này là bịa đặt. 

Với tội nhận hối lộ bị cáo buộc thêm, bà Suu Kyi có thể phải đối mặt với án tù dài và bị cấm tham gia chính trị nếu bị kết tội. 

Nhóm hoạt động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết, các cuộc biểu tình tiếp tục bùng lên trên khắp đất nước hôm thứ Tư (17/3) và 9 người biểu tình đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở thủ đô thương mại Yangon, thành phố Mandalay và những nơi khác.

Tổng số người thiệt mạng được ghi nhận trong những tuần bất ổn kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2 hiện ở mức 217 người, nhưng con số thực tế có lẽ cao hơn nhiều, AAPP cho biết.

Theo các video lan truyền trên mạng xã hội, những người biểu tình đã đối đầu với lực lượng an ninh qua dãy chướng ngại vật bằng bao cát trên một con phố ở thành phố Yangon. Cảnh sát nổ súng liên tục và một người đàn ông dường như bị bắn vào đầu.

Truyền thông đưa tin nhà chức trách buộc người dân Yangon tháo dỡ rào chắn và đe dọa nổ súng ở những khu phố không làm như vậy.

Theo BBC, hai người biểu tình đã thiệt mạng ở thị trấn trung tâm Kale, trong khi hàng trăm người biểu tình tiếp tục tụ tập ở thị trấn Demoso, Pathein ở đồng bằng sông Irrawaddy và Dawei ở phía nam.

Chính phủ quân sự cũng đã hành động để hạn chế hơn nữa việc sử dụng Internet bằng cách cắt truy cập WiFi công cộng nhằm ngăn người dân chia sẻ thông tin. 

Các khu vực của Yangon đang bị thiết quân luật và hàng nghìn cư dân đã chạy trốn khỏi khu công nghiệp ngoại ô Hlaingthaya, nơi lực lượng an ninh đã giết chết 40 người vào Chủ nhật và khoảng hơn 30 nhà máy có vốn Trung Quốc đã bị đốt phá.

Nhiều người ở Myanmar tin rằng Bắc Kinh đang hậu thuẫn cho chính quyền quân sự. Không giống như các cường quốc phương Tây, Trung Quốc đã không lên án cuộc đảo chính và cùng với Nga, đã ngăn cản Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có những hành động mạnh mẽ chống lại quân đội Myanmar.

Quân đội cho biết họ đã nắm quyền sau khi cáo buộc đã xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử ngày 8/11. Quân đội đã hứa hẹn một cuộc bầu cử mới, nhưng không ấn định ngày cụ thể.

Lê Xuân (theo Reuters)

Xem thêm: