Theo Reuters, nhà chức trách Myanmar đang gia tăng hạn chế các dịch vụ Internet, với việc truy cập Wi-Fi ở các khu vực công cộng đã hầu như bị tắt hôm thứ Năm (18/3). Cư dân của một số thị trấn, bao gồm Dawei ở phía nam, cho biết hoàn toàn không có Internet.

Embed from Getty Images

Hãng thông tấn tư nhân Tachilek đã công bố những bức ảnh chụp các công nhân đang cắt dây cáp. Hãng tin nhận định rằng đây là các đường dẫn cáp quang nối với nước láng giềng Thái Lan.

Hiện thông tin bên trong Myanmar ngày càng trở nên khó xác minh.

Khoảng 37 nhà báo đã bị bắt, trong đó có 19 người vẫn bị giam giữ, văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết.

Động thái này khiến Myanmar ngày càng trở nên cô lập hơn, đặc biệt khi Liên minh châu Âu chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt quân đội trong cuộc đảo chính.

Nhà chức trách cũng đã ra lệnh đóng cửa các tờ báo. Tờ báo tư nhân cuối cùng đã ngừng xuất bản vào thứ Tư. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông do nhà nước điều hành không bị ảnh hưởng.

Truyền hình nhà nước hôm 17/3 đưa tin bà Suu Kyi đang bị điều tra về tội hối lộ liên quan đến việc nhận bốn khoản thanh toán trị giá 550.000 đô la từ một doanh nhân nổi tiếng.

Nhà phát triển bất động sản Maung Weik, trong một bình luận được phát trên bản tin truyền hình nhà nước, cho biết ông đã đưa cho bà Suu Kyi 4 khoản tiền, từ 50.000 đến 250.000 USD từ năm 2018 đến năm 2020.

Tuy vậy, luật sư của bà đã bác bỏ lời buộc tội, nói rằng đó là “một trò đùa”.

Hiện bà Suu Kyi đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc khác nhau, bao gồm nhập khẩu bất hợp pháp bộ đàm, vi phạm các biện pháp ngăn ngừa COVID-19 và nhận hối lộ. Nếu bị kết tội, bà có thể phải lãnh tới 15 năm tù và có thể bị cấm tham gia chính trị.

Lực lượng an ninh đã sử dụng các chiến thuật ngày càng bạo lực để trấn áp các cuộc biểu tình hàng ngày.

Tổng số người thiệt mạng được ghi nhận từ đầu cuộc đảo chính đã tăng lên 224 người, nhóm hoạt động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết. Tổng cộng 2.258 người đã bị bắt, buộc tội hoặc kết án.

Tại Geneva, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã lên án các vụ cưỡng bức trục xuất, giam giữ tùy tiện và giết hại những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Họ nói rằng các chính phủ nước ngoài nên xem xét việc truy bắt những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác chống lại loài người này.

Các nước phương Tây đã lên án cuộc đảo chính và kêu gọi chấm dứt bạo lực và trả tự do cho bà Suu Kyi. Các nước láng giềng châu Á cũng đã đề nghị giúp tìm ra giải pháp, nhưng quân đội Myanmar không có dấu hiệu tìm kiếm hòa giải.

Lãnh đạo cuộc đảo chính, Tướng Min Aung Hlaing đã tham gia một cuộc họp video với các quan chức quốc phòng Đông Nam Á khác hôm thứ Năm. Đây là lần tham gia quốc tế đầu tiên của ông kể từ khi nắm quyền, theo truyền hình nhà nước. Không có dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng Myanmar đã được thảo luận.

Phần lớn nền kinh tế Myanmar, vốn quay cuồng với đại dịch cúm Vũ Hán, tiếp tục bị tê liệt bởi các cuộc biểu tình và chiến dịch bất tuân dân sự. Nhiều cuộc đình công chống lại sự cai trị của quân đội đã diễn ra, trong khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá lại kế hoạch kinh doanh ở nước này.

Cơ quan lương thực Liên Hợp Quốc tuần này cảnh báo rằng giá lương thực và nhiên liệu tăng có thể làm suy yếu sinh kế của các gia đình nghèo.

“Bất cứ điều gì xảy ra ở Myanmar trong những tháng tới, nền kinh tế sẽ sụp đổ, khiến hàng chục triệu người lâm vào cảnh khốn khó và cần được bảo vệ khẩn cấp”, nhà sử học kiêm tác giả Thant Myint-U cho biết trên Twitter.

Trong khi lực lượng an ninh tập trung vào việc dập tắt bất đồng chính kiến ​​ở Yangon và các thành phố khác, các cuộc biểu tình nhỏ vẫn tiếp tục nổ ra ở những nơi khác mỗi ngày.

Vài nghìn người đã tuần hành ở thị trấn Natmauk hôm thứ Năm (18/3), Đài Tiếng nói Dân chủ Miến Điện đưa tin. Trong khi đó, khoảng 1.000 người biểu tình đi xe máy quanh thị trấn trung tâm Taungoo và hàng trăm người tuần hành ở thị trấn khai thác ngọc bích ở phía bắc Hpakant, kênh tin tức Irrawaddy cho hay.

Người biểu tình cũng tụ tập ở thị trấn trung tâm Monywa sau khi một nhà hoạt động 24 tuổi chống chế độ quân sự tử vong chỉ ba ngày sau khi bị lực lượng an ninh bắt giữ và đánh đập, cổng thông tin Irrawaddy và Myanmar Now đưa tin.

Ở biên giới của Myanmar với Thái Lan, hàng trăm người đã rời khỏi các thị trấn và thành phố đang trú ẩn trong các khu vực do quân nổi dậy dân tộc kiểm soát, một quan chức từ Liên minh Quốc gia Karen (KNU) cho biết.

Những người tị nạn bao gồm các nhà lãnh đạo của các cuộc đình công, nhân viên chính phủ, lính đào ngũ từ cảnh sát và quân đội, và các nghị sĩ từ chính phủ bị lật đổ – theo ông Padoh Saw Taw Nee, người KNU đã chiến đấu với quân đội Myanmar trong nhiều thập kỷ cho biết.

Các nhà chức trách Thái Lan đang chuẩn bị tinh thần cho một làn sóng người tị nạn và đã dành các khu vực để tạm trú cho hơn 43.000 người ở quận Mae Sot, theo kế hoạch được Reuters đưa tin.

Lê Xuân (tổng hợp)

Xem thêm: