Quân đội Myanmar đã nã đạn vào những người biểu tình chống đảo chính hôm thứ Tư (7/4), khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Trong khi đó, một nhà máy do Trung Quốc làm chủ đã bị phóng hỏa ở thủ đô thương mại Yangon. Các nhà hoạt động cũng đã đốt cờ Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Một đám cháy đã bùng phát tại Nhà máy may mặc JOC do Trung Quốc làm chủ ở Yangon hôm thứ Tư (7/4), các bản tin và Sở Cứu hỏa cho biết. Hiện chưa có báo cáo về thương vong và cũng như chi tiết về mức độ thiệt hại.

Tại một khu phố khác ở Yangon, các nhà hoạt động đã đốt cờ Trung Quốc, theo những hình ảnh đăng trên Facebook.

Trung Quốc được coi là nước đã ủng hộ chính quyền quân sự gây ra vụ đảo chính ở Myanmar. Tháng trước, 32 nhà máy do Trung Quốc đầu tư ở Yangon đã bị đốt phá.

Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư rằng phong trào bất tuân dân sự, được gọi là CDM, đã khiến hoạt động của các bệnh viện, trường học, đường xá, văn phòng và nhà máy trên khắp đất nước bị ngưng trệ.

Ông nói: “Mặc dù các cuộc biểu tình cũng được tổ chức ở các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế, nhưng chúng không phá hủy các doanh nghiệp, còn CDM là hoạt động nhằm phá hủy đất nước.”

Theo nhóm hoạt động AAPP, hơn 580 người đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2, kết thúc một thời kỳ ngắn ngủi của nền dân chủ dân sự. Các cuộc biểu tình và đình công trên toàn quốc đã kéo dài kể từ thời điểm đó bất chấp việc quân đội sử dụng vũ lực sát thương để dập tắt phe đối lập.

Một người dân cho biết lực lượng an ninh đã nổ súng vào những người biểu tình ở thị trấn Tây Bắc Kale vào thứ Tư khi họ yêu cầu khôi phục chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Các hãng tin Mizzima và Irrawaddy cho biết có 5 người thiệt mạng và một số người bị thương.

Cư dân Kale cho biết thông tin này được cung cấp cho ông bởi các nhân chứng, những người đã chụp ảnh 5 thi thể. Hai người biểu tình đã bị giết ở thị trấn Bago gần Yangon, hãng tin Myanmar Now cho biết.

Việc tổ chức các hoạt động và chia sẻ thông tin qua mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin của phong trào chống đảo chính chủ yếu do giới trẻ lãnh đạo. Tuy nhiên, chính quyền đã hạn chế tối đa các dịch vụ dữ liệu di động và internet không dây băng thông rộng nhằm gây khó khăn cho phong trào. Dịch vụ internet cố định chỉ hoạt động ở một số khu vực.

Alp Toker, người sáng lập NetBlocks cho biết: “Myanmar đã từng bước rơi vào vực thẳm thông tin kể từ tháng Hai. “Thông tin liên lạc hiện bị hạn chế nghiêm trọng và chỉ có sẵn cho một số ít.”

Với việc các phương tiện truyền thông báo in cũng ngừng hoạt động, những người biểu tình đã tìm cách giải quyết vấn đề truyền tải thông tin bằng cách sản xuất các tờ rơi tin tức hàng ngày khổ A4. Nếu không thể chia sẻ trực tuyến, chúng sẽ được in ra và phân phát cho công chúng.

Lệnh bắt giữ hàng trăm người đã được ban bố, trong đó bao gồm nhiều người có ảnh hưởng trong giới nghệ thuật. Truyền thông đưa tin, diễn viên hài nổi tiếng nhất của đất nước, Zarganar, đã bị bắt hôm thứ Ba.

Anh và Indonesia mới đây đã thảo luận về cách thức mà Anh và cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ nỗ lực Đông Nam Á để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Indonesia là một trong số các quốc gia Đông Nam Á đi đầu trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán cấp cao về Myanmar.

Trong khi các nước phương Tây như Anh, Mỹ, Úc đã áp đặt hoặc thắt chặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh và các thực thể kinh doanh của họ, Nga đã thể hiện sự ủng hộ đối với hội đồng quân sự cầm quyền của Myanmar. Hôm thứ Ba, nước này cho biết phương Tây có nguy cơ gây ra cuộc nội chiến bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt đối với quân đội.

Fitch Solutions cho biết trong một báo cáo đưa ra hôm thứ Tư rằng nếu chỉ dựa vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây thì sẽ không thể thành công trong việc khôi phục nền dân chủ. Hãng này dự đoán sẽ có một cuộc cách mạng vũ trang nhằm vào quân đội đến từ phe đối lập, bao gồm các thành viên của phong trào chống đảo chính và dân quân dân tộc thiểu số.

Một số lực lượng dân tộc thiểu số cho biết họ không thể đứng nhìn quân đội giết người và đã giao tranh với quân đội. Fitch cho rằng Myanmar đang hướng tới một cuộc nội chiến.

“Bạo lực ngày càng leo thang đối với dân thường và dân quân người dân tộc thiểu số cho thấy Tatmadaw [quân đội] đang ngày càng mất quyền kiểm soát đất nước”, báo cáo nói thêm rằng đại đa số người dân ủng hộ chính phủ bị lật đổ của bà Suu Kyi.

Lê Xuân (theo Reuters, SCMP)

Xem thêm: