Khoảng 1.000 người, bao gồm những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã bị quân đội Myanmar buộc tội theo Mục 505 của Bộ luật hình sự vì chống lại cuộc đảo chính. Các nhà quan sát cho biết bạo lực và khả năng xảy ra nội chiến có thể dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước Myanmar.

Embed from Getty Images

Khi chính quyền quân sự Myanmar bắt đầu đàn áp dân thường theo sau cuộc đảo chính do quân đội lãnh đạo ba tháng trước, doanh nhân xã hội và là nhà sáng tạo kỹ thuật số Aung Min (bí danh) bắt đầu đứng lên kêu gọi người dân ủng hộ chiến dịch bất tuân dân sự, cũng như cho một Chính phủ Thống nhất Quốc gia trên nhiều nền tảng mạng xã hội.

Tuy nhiên, vào tháng trước, sau khi bị chính quyền quân sự Myanmar buộc tội theo luật cấm chỉ trích công khai cuộc đảo chính, anh Aung Min đã nhận được một lời cảnh báo ngầm rằng điều tồi tệ hơn có thể xảy ra với anh.

Người thanh niên 28 tuổi này đã lấy một số quần áo, điện thoại di động và máy tính xách tay của mình và nhanh chóng lên đường đến biên giới Myanmar – Thái Lan. Với sự giúp đỡ của bạn bè và những người ủng hộ, anh Aung Min hiện đã “ở một nơi an toàn” tại Bangkok.

Anh Aung Min cho biết: “Hai người bạn của tôi đã bị buộc tội tương tự và đã bị bắt đi, chúng tôi không biết họ hiện đang ở đâu. Anh nói thêm rằng anh chọn rời khỏi Myanmar để tiếp tục sử dụng “sức mạnh của mạng xã hội để thúc đẩy phong trào tiến lên”.

Anh Aung Min nằm trong số khoảng 1.000 người bị buộc tội theo Mục 505 của Bộ luật hình sự, bao gồm những người nổi tiếng có ảnh hưởng trên mạng xã hội, những nhân vật có danh tiếng, những nhân vật của công chúng, các nhà báo cũng như các công chức, bao gồm cả những nhân viên y tế vì đã chống lại cuộc đảo chính.

Trước khi quân đội lên nắm quyền, anh Aung Min đã sản xuất các vlog du dịch với sự hợp tác của các hãng truyền thông tin tức Myanmar và ươm mầm các công ty khởi nghiệp do những người trẻ khởi xướng.

Vào tháng 3, anh Aung Min đã nói với This Week in Asia: “Là một người có ảnh hưởng và là một thanh niên Myanmar, tôi tin rằng tôi phải có trách nhiệm với xã hội để cùng với nhân dân Myanmar đứng lên đấu tranh cho công lý. Tôi truyền cảm hứng cho giới thanh niên [Myanmar] trên nền tảng của mình bằng các bài báo và video để khuyến khích họ đấu tranh và không bỏ cuộc cho đến khi đạt được mục đích.”

Tuần trước, anh nói: “Quân đội muốn gây sợ hãi cho mọi người. Nhưng, họ sẽ không thành công. Tôi dự định tiếp tục nói những gì tôi muốn nói.”

Tại Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 24/4, các nhà lãnh đạo Asean đã gặp Thống tướng Min Aung Hliang của Myanmar, người lãnh đạo cuộc đảo chính, để kêu gọi việc chấm dứt bạo lực, nhưng việc này đã không làm quân đội Myanmar thay đổi cách tiếp cận trong việc dập tắt bất đồng chính kiến.

Trong tuần trước, quân đội Myanmar tiếp tục trấn áp những người biểu tình chống đảo chính. Các cuộc đụng độ nghiêm trọng đã nổ ra ở miền bắc Myanmar giữa lực lượng chính phủ và lực lượng nổi dậy người dân tộc Kachin, cũng như các cuộc tấn công của quân đội vào các ngôi làng của người dân tộc Karen ở phía đông nam, đã làm dấy lên lo ngại người dân sẽ bỏ trốn hàng loạt qua biên giới sang Thái Lan.

Hôm thứ Sáu (30/4), văn phòng nhân đạo của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết tổng cộng khoảng 56.000 người đã phải di tản do cuộc xung đột tại Myanmar trong năm nay. Trong lúc đó, Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ cho biết cuộc khủng hoảng sẽ “làm suy yếu nghiêm trọng khả năng” có đủ lương thực có sẵn để cung cấp cho những người nghèo nhất.

Ngân hàng Thế giới đã dự đoán nền kinh tế Myanmar có thể suy giảm 10% trong năm nay. Trong khi đó, lực lượng an ninh Myanmar tiếp tục trấn áp tàn nhẫn đối với những người xuống đường phản đối. Hơn 750 người biểu tình đã chết trong ba tháng qua, theo AAPP.

Không khí sợ hãi

Ông Lucas Myers, cộng sự của Chương trình Châu Á thuộc Trung tâm Wilson, nói rằng Mục 505 không phải là một công cụ áp bức mới ở Myanmar, và thậm chí nó đã được chính phủ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi sử dụng để chống lại những sinh viên và nhà báo biểu tình.

Ông Myers nói: “Tuy nhiên [kể từ khi cuộc đảo chính bắt đầu], chính quyền quân sự đã sửa Mục 505 (A) và (B) để mở rộng việc triển khai luật nhằm bịt miệng và trừng phạt những người biểu tình và các chính trị gia của đảng NLD một cách hiệu quả hơn.”

Ông Myers cho biết” “Ngôn từ trong Mục 505 bao hàm ý nghĩa rộng một cách có chủ đích, và nó có thể trừng phạt bất kỳ tiếng nói nào mà chế độ quân sự không thích.” Ông nói thêm rằng việc sửa đổi mục này nhằm bao gồm cả các hành động và lời nói chống lại các quan chức chính phủ và quân nhân, cũng như một sửa đổi nhằm hình sự hóa “tin giả”, vốn được xem là một trong những hành động đầu tiên do chính quyền quân sự thực hiện.

Theo Hiệp hội hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), hơn 3.400 người đang bị giam giữ, nhưng không rõ bao nhiêu người trong số họ bị giam giữ theo mục này.

Ông Philipp Annawitt, từng là cố vấn cho Quốc hội và chính phủ dân sự của Myanmar từ năm 2015 cho đến khi bị lật đổ, cho biết chính quyền quân sự Myanmar “không thể [thay đổi cách tiếp cận] ngay cả khi họ muốn”.

Ông chỉ ra các cuộc giao tranh đang diễn ra giữa quân đội và các tổ chức vũ trang dân tộc, như Quân đội Giải phóng Quốc gia Karen và Quân đội Độc lập Kachin. Các tổ chức này từ lâu đã tìm kiếm quyền tự trị lớn hơn.

Ông Annawitt cho biết, hiện tại, quân đội đang bị tấn công bởi các nhóm dân quân do những người biểu tình và các nhà hoạt động tự vũ trang thành lập và một phần trong số đó được các tổ chức vũ trang dân tộc huấn luyện.

Đề cập đến hội nghị thượng đỉnh Asean mà tổ chức Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar (NUG) không được mời tham dự, ông Annawitt nói: “Hội nghị thượng đỉnh sẽ không bao giờ dẫn đến sự đột phá bởi vì một thỏa thuận không mang lợi ích cho bất kỳ bên nào.”

Chính quyền quân sự Myanmar cần phải tăng cường sức mạnh để duy trì quyền lực và bất kỳ sự thỏa hiệp nào đều được xem là một dấu hiệu cho thấy việc nắm giữ quyền lực của họ đang tuột dốc, có khả năng khiến họ không chỉ hứng chịu những lời chỉ trích mà còn có thể bị lật đổ từ bên trong.

Ngược lại, ông Annawitt cho biết, những nhà lập pháp bị lật đổ của NLD vốn đã thành lập Ủy ban Đại diện Pyidaungsu Hluttaw (CRPH) cần phải gắn kết một liên minh rộng lớn vào trong NUG bao gồm cả các tổ chức vũ trang dân tộc.

Ông Myers cho biết sự kiên trì liên tục của phong trào biểu tình, việc quân đội liên tục triển khai các hành động bạo lực và việc họ từ chối thả các tù nhân chính trị cũng như từ chối đàm phán với chính phủ bị lật đổ NLD cho thấy chính quyền quân sự sẽ không thể tự kiềm chế.

Sử dụng thuật ngữ về quân sự, ông Myers nói: “Mức độ bạo lực đặc biệt nghiêm trọng, cũng như những dấu hiệu ngày càng tồi tệ hơn cho thấy Myanmar có thể đang hướng đến một cuộc nội chiến toàn diện mà Tatmadaw [quân đội Myanmar] đã vượt qua ranh giới mà họ sẽ không dễ dàng có thể lùi lại.”

Nỗ lực của ASEAN

Mặc dù đồng thuận năm điểm của Hội nghị thượng đỉnh Asean đề xuất rằng một đặc phái viên Asean được bổ nhiệm đặc biệt sẽ được phép đến thăm Myanmar và nói chuyện với tất cả các bên, nhưng tướng Min Aung Hlaing đã nói rõ đặc phái viên này chỉ có thể đến thăm Myanmar sau khi quân đội “đã ổn định” đất nước.

Theo ông Myers, điều này có nghĩa là “dập tắt các cuộc biểu tình thông qua cưỡng chế, thông qua mục 505 của bộ luật hình sự là một công cụ chính và bằng cả vũ lực.”

Ông cho biết sự sụp đổ của nhà nước Myanmar có nguy cơ ngày càng tăng. Ông nói thêm rằng vài tác nhân quốc tế có ý đồ cũng đang muốn hành động chống lại chính quyền quân sự Myanmar, vốn sẵn sàng đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt mà các chính phủ phương Tây đã áp đặt đối với các nhà lãnh đạo quân đội cũng như các tài sản của các doanh nghiệp mà họ kiểm soát.

Thứ Sáu tuần trước (30/4), Hội Đồng Bảo an LHQ đã ủng hội rộng rãi “đồng thuận 5 điểm” của Asean, nhưng đã giảm hai điều khoản để làm vừa lòng Nga và Trung Quốc. Theo yêu cầu của hai nước này, Hội đồng đã loại bỏ các điều khoản có nội dung “một lần nữa lên án mạnh mẽ hành động bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa” và “nhắc lại lời kêu gọi quân đội [Myanmar] thực hiện việc kiềm chế tối đa.” 

Ông Annawitt nói rằng Hội nghị thượng đỉnh Asean đã đưa Myanmar vào chương trình nghị sự khu vực và quốc tế, bởi vì câu chuyện đảo chính đã “quá rõ ràng trắng đen, thiện ác” và đã chứng kiến một liên minh bao gồm tất cả các sắc tộc đã gạt bỏ những khác biệt để cùng nhau chống lại một “chế độ ký sinh bất hợp pháp chuyên sử dụng bạo lực”.

Ông Myers cho biết việc các nhà hoạt động và người dân Myanmar tiếp tục báo cáo những vi phạm nhân quyền của quân đội Myanmar là để gây áp lực lên cộng đồng quốc tế phải có thêm hành động đối với vấn đề này.

Tuần trước, một vận động bơi lội hàng đầu của Myanmar đã từ bỏ giấc mơ tranh tài tại Thế vận hội Tokyo nhằm phản đối việc chính quyền quân sự cai trị quê hương mình, nói rằng việc tham gia [thế vận hội] sẽ là “tuyên truyền’ cho chế độ quân sự này.

Anh Win Htet Oo đã viết trong một thông báo trên Facebook vào tháng 4: “Chấp nhận MOC (Ủy ban Olympic Myanmar) hiện đang được lãnh đạo [bởi chính quyền quân sự] là công nhận tính hợp pháp của một chế độ giết người. Tôi sẽ không tham gia diễu hành trong Cuộc diễu hành của các quốc gia [vào ngày lễ khai mạc] dưới lá cờ thấm đẫm máu của nhân dân tôi.”

Gia Huy (theo SCMP)

Xem thêm: