Ngay sau khi giới quân sự nắm quyền, 55 nhà đầu tư nước ngoài ở Myanmar từ Coca Cola đến Facebook đã ký một tuyên bố cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với đất nước và nhân viên ở đó. Tuy vậy, trong một tháng qua, những cam kết này đang bị thách thức nghiêm trọng bởi nền kinh tế Myanmar hầu như bị tê liệt bởi những cuộc biểu tình khổng lồ chống đảo chính và những cuộc đình công trên diện rộng. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi quân đội chính phủ đã sát hại hàng chục người biểu tình và đang đối mặt với nhiều lời kêu gọi tẩy chay và trừng phạt.

Embed from Getty Images

Sự rút lui đột ngột của Công ty Dầu mỏ Woodside của Úc là minh chứng cho những thách thức này. Hôm 27/2, công ty cho biết đang cắt giảm bớt sự hiện diện tại đất nước do những quan ngại về tình trạng bạo lực và sẽ đình chỉ nhóm thăm dò ngoài khơi. Sự việc diễn ra chỉ một tuần sau khi công ty nói rằng việc khoan không bị ảnh hưởng.

Tuần này, tập đoàn thời trang khổng lồ H&M với khoảng 45 nhà đầu tư trực tiếp ở Myanmar cho biết họ đã tạm dừng nhiều đơn hàng mới do gián đoạn về vận chuyển và sản xuất.

Tuy nhiên, H&M không đưa ra quyết định cụ thể nào về tương lai lâu dài của họ ở Myanmar.

“Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được tính phức tạp… trong việc cân bằng những khía cạnh khác nhau để bảo đảm người dân ở Myanmar không bị tác động tiêu cực,” ông Serkan Tanka, quản lý quốc gia Myanmar của H&M, cho biết.

Một công ty toàn cầu lớn khác đã đột ngột rời đi là công ty Kirin Holdings, hiện đang thanh lý việc kinh doanh bia với một công ty có mối liên hệ với giới quân sự trước áp lực của các nhóm hoạt động xã hội.

Bạo lực leo thang đã khiến hơn 60 người biểu tình thiệt mạng và đang làm gia tăng bất ổn đối với các công ty nước ngoài.

“Nếu điều này tiếp diễn trong nhiều tháng tới, có thể nhiều công ty hơn sẽ rời bỏ Myanmar hoàn toàn,” ông Murray Hiebert, cộng sự cấp cao của chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói.

 

Rủi ro kinh doanh 

Hoạt động kinh doanh ở Myanmar từ lâu đã là một cuộc chơi mang tính tính rủi ro cao, nhưng cũng đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Việc mở cửa một trong những thị trường cuối cùng của châu Á vào năm 2011 sau nửa thế kỷ giới quân sự thống trị đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dòng vốn đạt tới 4,7 tỷ đôla năm 2017 so với 900 triệu đôla năm 2010, theo Ngân hàng Thế giới.

Nhưng ngay cả trước cuộc đảo chính, các công ty đều phải vật lộn với cơ sở hạ tầng đổ nát, tình trạng mất điện liên tục, luật pháp không rõ ràng và phần lớn nền kinh tế vẫn bị kiểm soát bởi giới quân sự.

Trong khi tất cả các công ty nước ngoài đã và đang đánh giá về những bước đi tiếp theo của họ, các công ty năng lượng, bao gồm nhiều nhà đầu tư nước ngoài lâu năm nhất tại Myanmar, đặc biệt có thể phải chịu nhiều sức ép hơn.

Nhà điều tra nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Myanmar, Tom Andrew cho biết trong báo cáo tuần trước rằng các nước nên áp đặt lệnh trừng phạt đối với Công ty dầu khí Myanmar (MOGE), hiện đang bị kiểm soát bởi giới quân sự và được cho là mang đến nguồn doanh thu lớn nhất cho họ.

Công ty Total và Chevron đều đang hợp tác với MOGE trong một dự án lớn về khí đốt ngoài khơi. Người phát ngôn của Chevron cho biết họ sẽ tuân thủ tất cả các luật và lệnh trừng phạt hiện hành. Trong khi đó, Total từ chối bình luận về mối đe dọa của lệnh trừng phạt.

Các công ty viễn thông và Internet cũng lâm vào tình huống khó khăn khi trước tình trạng dịch vụ bị gián đoạn liên tục và những sửa đổi mới của luật không gian mạng đang đe dọa quyền con người. 

Công ty di động Telenor của Na-uy  hôm thứ Hai cho biết các sửa đổi trong luật mới đã mở rộng quyền lực cho giới quân sự và làm giảm quyền tự do dân sự. Công ty đang kêu gọi phục hồi khung pháp lý đầy đủ và hoàn chỉnh ở Myanmar.

Việc các công ty nên đối phó với những thách thức ở Myanmar như thế nào đang là một vấn đề tranh luận nóng bỏng.

 Chris Sidoti, một chuyên gia về Myanmar, từng tham gia phái đoàn đi tìm hiểu thực tế do Liên Hợp Quốc dẫn đầu năm 2019, nói rằng tất cả các công ty nước ngoài nên ngừng kinh doanh tại Myanmar vì giới quân sự đã nắm giữ mọi mặt của chính quyền.

Nhóm nhân quyền Chiến dịch Burma của Anh đã kêu gọi các công ty phương Tây không bỏ rơi người lao động Myanmar. Gần nửa triệu người dân Myanmar đang làm việc trong các nhà máy sản xuất hàng dệt may cho các nhà bán lẻ như H&M, Adidas, Gap và Zara.

Lê Vy (theo Reuters)

Xem thêm: