Theo kênh tin tức địa phương eNCA, hôm thứ Tư (14/7) bộ trưởng quốc phòng Nam Phi đã tuyên bố trước một ủy ban quốc hội rằng chính phủ Nam Phi đã lên kế hoạch triển khai lên đến 25.000 binh sĩ tại hai tỉnh của nước này, nơi lực lượng an ninh đang gặp nhiều khó khăn trong việc dập tắt tình trạng cướp bóc, đốt phá và bạo lực.

Embed from Getty Images

Theo đó, số binh sĩ được triển khai các điểm nóng của hai tỉnh KwaZulu-Natal và Gauteng sẽ tăng lên gấp 10 lần. Cảnh sát và quân đội của nước này đã phải chiến đấu với tình trạng bất ổn trong nhiều ngày tại hai tỉnh này.

Qua một đoạn video được chiếu trên eNCA, Bộ trưởng Quốc phòng và Cựu chiến binh Nam Phi Nosiviwe Mapisa-Nqakula thông báo: “Chúng tôi hiện đã đệ trình một yêu cầu triển khai (khoảng) 25.000 binh sĩ.”

Kích động trước việc cựu Tổng thống Jacob Zuma bị bắt giam vào tuần trước, sau khi ông này không ra trình diện tại một cuộc điều tra tham nhũng, các cuộc biểu tình ở Nam Phi đã lan rộng biến thành một cuộc cướp bóc tràn lan và sự bùng phát giận dữ của người dân vì tình trạng khó khăn và bất bình đẳng kéo dài tại Nam Phi sau 27 năm kết thúc chế độ phân biệt chủng tộc.

Hơn 70 người đã thiệt mạng trong tình trạng bất ổn tồi tệ nhất ở Nam Phi trong nhiều năm, đồng thời hàng trăm doanh nghiệp đã bị phá hoại. Nguồn cung lương thực và nhiên liệu đang bị thiếu hụt.

Các trung tâm mua sắm và nhà kho đã bị cướp bóc hoặc đốt cháy tại một số thành phố, chủ yếu là tại quê nhà của ông Zuma ở tỉnh KwaZulu-Natal, đặc biệt là thành phố cảng Ấn Độ Dương Durban, cũng như trung tâm tài kinh tế và tài chính Johannesburg và tỉnh phụ cận Gauteng.

Tuy nhiên, công chúng đã có dấu hiệu phản ứng dữ dội với tình trạng này. Hôm thứ Tư (14/7), cư dân của một số khu vực đã biến thành cảnh sát ngăn chặn những kẻ tình cướp bóc tại cửa vào các trung tâm mua sắm và một số người đã tự trang bị vũ khí như những đội viên dân phòng thành lập các chốt chặn trên đường phố để xua đuổi những kẻ cướp bóc.

Tại thành phố Vosloorus nằm ở phía nam Johannesburg, các nhà điều hành taxi minibus, trong đó có nhiều người có súng, đã bắn những phát đạn lên không trung để xua đuổi những kẻ cướp bóc.

Ông Paul Magolego, phát ngôn viên hiệp hội taxi Vosloorus, khẳng định: “Chúng tôi không thể cho phép người dân từ bất cứ nơi đâu đến đây và cướp bóc.” Ông cũng nói thêm rằng các tài xế taxi đã không có việc làm kể từ hôm thứ Hai (12/7) bởi vì tình trạng bất ổn.

Những hành động tự quản như vậy gây ra những nguy hiểm tiềm ẩn. Theo một nhiếp ảnh gia của Reuters, ông đã nhìn thấy thi thể của một cậu bé 15 tuổi bị giết chết bởi một viên đạn lạc ở thành phố Vosloorus. Ông Magolego cho biết, các chủ xe taxi đã đến hiện trường sau khi cậu bé chết.

Tại thị trấn Alexandra nằm ở phía bắc thành phố Johannesburg, một trong những khu dân cư nghèo nhất của thành phố này, một phóng viên của Reuters đã chứng kiến những người lính, với sự giúp đỡ của những người dân phản đối nạn cướp bóc, đã đi đến từng nhà để tịch thu những món đồ bị đánh cắp.

Một đoạn phim truyền hình của Reuters cũng cho thấy, những người dân được trang bị súng, trong đó có nhiều người thuộc nhóm dân tộc thiểu số da trắng ở Nam Phi, đã phong tỏa đường phố để ngăn chặn nạn cướp bóc tiếp tục diễn ra ở thành phố Durban.

Trong khi đó, những người khác đã thành lập các nhóm trực tuyến để giúp dọn dẹp và xây dựng lại các khu dân cư bị tàn phá.

Chúng tôi không có gì cả

Lực lượng an ninh Nam Phi thông báo họ đã bắt giữ hơn 1.200 người. Hôm thứ Tư (14/7), Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã gặp lãnh đạo các đảng chính trị để thảo luận về tình trạng bất ổn của nước này.

Bạo lực dường như đã giảm bớt ở một số khu vực, nhưng ở một số khu vực khác, tình trạng đốt phá và cướp bóc lại tái diễn.

Một nhiếp ảnh gia của Reuters đưa tin, một số cư dân giàu có ở Durban đã thuê các máy bay nhỏ và trực thăng để rời khỏi thành phố này.

Mặc dù bị kích động bởi việc cựu Tổng thống Zuma bị bắt giam, nhưng tình trạng bất ổn ở Nam Phi phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của người dân trước sự thất bại của Đại hội Dân tộc Phi cầm quyền trong việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng kéo dài hàng thập kỷ sau khi kết thúc chế độ cai trị của nhóm thiểu số da trắng vào năm 1994 mở ra một nền dân chủ ở nước này.

Khi binh lính tịch thu những món đồ bị đánh cắp để trong ngôi nhà của mình ở thị trấn Alexandra, một người đàn ông tên là Elijah cho biết: “Việc cướp bóc không phải vì ông Zuma, mà là vì sự nghèo đói.”

Ông kể lại: “Tôi chộp lấy những thứ tôi có thể mang đi như đồ uống lạnh và một số sơn. Tôi nghĩ lý do thực sự là vì chúng tôi thực sự không có gì cả.”

Theo số liệu mới nhất của chính phủ Nam phi vào năm 2015, một nửa dân số nước này sống dưới mức nghèo khổ. Tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng kể từ khi đại dịch virus corona bắt đầu đã khiến nhiều người tuyệt vọng. Tỷ lệ thất nghiệp đã đạt mức cao kỷ lục 32,6% trong ba tháng đầu năm 2021.

Tình trạng bất ổn cũng làm gián đoạn các bệnh viện tại Nam Phi vốn đang phải vật lộn để giải quyết làn sóng COVID-19 thứ ba.

Mạng lưới Bệnh viện Quốc gia Nam phi  (NHN), đại diện cho 241 bệnh viện công đang ở trong tình trạng căng thẳng khi phải đối phó với đại dịch COVID-19 tồi tệ nhất châu Phi, thông báo rằng họ đang cạn kiệt oxy và thuốc, vốn hầu hết được nhập khẩu thông qua thành phố cảng Durban, cũng như tình trạng thiếu lương thực.

Thị trưởng của Ethekwini, một đô thị bao gồm thành phố Durban, ước tính rằng tình trạng bất ổn đã gây ra thiệt hại về tài sản 15 tỷ rand (1 tỷ đô la) và tổn thất do mất hàng hóa 1 tỷ rand (67 triệu đô la)

Trong một bài diễn văn, Vua Misuzulu của dân tộc Zulu nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi dân tộc Zulu rút khỏi việc tham gia vào việc tàn phá đất nước chúng ta.” Zulu là nơi có nhiều khu vực bị ảnh hưởng nhất trong tình trạng bất ổn. Cựu Tổng thống Jacob Zuma cũng người dân tộc Zulu.

Ông Zuma, 79 tuổi, đã bị kết án vào tháng trước vì đã thách thức một lệnh của tòa án yêu cầu cung cấp bằng chứng cho một cuộc điều tra đang điều tra hành vi tham nhũng cấp cao trong chín năm cầm quyền của ông ấy cho đến năm 2018.

Vị cựu tổng thống Nam Phi đã không nhận tội trong một vụ án riêng khác với các tội danh bao gồm tham nhũng, gian lận, tống tiền và rửa tiền.

Gia Huy (Theo Reuters)

Xem thêm: