Theo một đại sứ Mỹ, kho dự trữ vũ khí của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang cạn kiệt do cuộc chiến Nga – Ukraine.

Embed from Getty Images

Đại sứ Julianne Smith, đại diện thường trực của Hoa Kỳ tại NATO, đã đưa ra nhận xét này trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba với Tiến sĩ Kathleen McInnis, một thành viên cao cấp trong Chương trình An ninh Quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tờ Newsweek đưa tin.

“Đây là một thách thức rất nghiêm trọng, cả đối với các đồng minh NATO đang đưa ra cam kết nghiêm túc, bao gồm hỗ trợ quân sự/hỗ trợ vũ khí sát thương đáng kể cho lực lượng quân đội Ukraine; và cũng là một thách thức đáng kể đối với chính lực lượng quân sự Ukraine đang phải đối mặt với sự thiếu hụt và suy giảm kho [vũ khí] dự trữ,” bà Smith, người được bổ nhiệm vào tháng 11 năm 2021, cho biết.

Bà cho biết có vô số nỗ lực đang diễn ra giữa vô số thực thể và tổ chức nhằm tăng lượng dự trữ.

Một trong số này liên quan đến Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (UDCG), với những nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm điều phối hỗ trợ vũ khí sát thương cho 50 quốc gia, mà trong đó có một số không phải là thành viên NATO. Bà Smith cho biết họ gặp nhau hàng tháng và đưa ngành công nghiệp vũ khí vào cuộc, đảm bảo rằng họ mở lại dây chuyền sản xuất khi cần thiết.

Trong cuộc họp lần thứ ba của UDCG vào tháng 6 tại Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã đề xuất quốc hội phân bổ 40 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

Vào tháng 11, ông Austin và Tướng Lục quân Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã gặp gỡ trực tuyến với 50 quốc gia và tổ chức trong khuôn khổ cuộc họp lần thứ bảy của UDCG.

Cuộc họp bao gồm thông báo bổ sung vũ khí, gói hỗ trợ trị giá 287 triệu USD của Thụy Điển, khẩu đội tên lửa Hawk và tên lửa từ Tây Ban Nha, và khoản hỗ trợ 500 triệu USD từ Canada.

Cùng tháng đó, một quan chức giấu tên của NATO nói với tạp chí Foreign Policy rằng “mọi người hiện đã lo lắng” về kho vũ khí ngày càng cạn kiệt.

Frederick Kagan, một thành viên cao cấp của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói: “NATO không thực sự có kế hoạch tiến hành các cuộc chiến như thế này, và ý tôi là các cuộc chiến sử dụng rất nhiều hệ thống pháo binh và rất nhiều xe tăng và súng đạn”. “Chúng tôi chưa bao giờ dự trữ cho loại chiến tranh này từ đầu.”

Bà Smith cũng nói rằng NATO và Hội nghị Giám đốc Vũ khí Quốc gia (CNAD) từ tất cả 30 quốc gia thành viên NATO đang xem xét các giao dịch mua và mua chung của nhiều quốc gia.

“Nỗ lực đó tập trung [xử lý] việc kho dự trữ trong liên minh NATO đang suy giảm, chẳng hạn như Estonia, nước đã hỗ trợ an ninh rất nhiều cho Ukraine,” bà nói thêm. “Họ đang phải đối mặt với một số thiếu sót rất thực tế và họ không đơn độc. Chúng tôi thấy điều đó trong toàn liên minh.”

Bà Smith cho biết, NATO cũng đang liên hệ với Liên minh châu Âu (EU), nơi đã tham gia trực tiếp hơn nhiều vào việc cung cấp hỗ trợ vũ khí sát thương, như một phần trong nỗ lực nhằm giúp đỡ các quốc gia thành viên EU.

Ngân Hà (theo Newsweek)