Trước việc Moscow thông báo quân đội của họ đã bắt đầu quay trở lại căn cứ sau cuộc tập trận ở Belarus, gần biên giới với Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, đã có triển vọng ngoại giao về việc chấm dứt tình trạng bế tắc giữa Nga và phương Tây.

Embed from Getty Images

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Getty Images)

Phát biểu tại một cuộc họp báo trước cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng từ các quốc gia thành viên hôm 15/2, người đứng đầu khối quân sự đã đưa ra đánh giá của mình về tình hình hiện tại ở khu vực biên giới Nga-Ukraine.

Ông tuyên bố: “Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy bất kỳ sự giảm leo thang nào trên thực địa. Chúng tôi cũng không thấy bất kỳ dấu hiệu nào chỉ ra Nga giảm sự hiện diện quân sự ở gần biên giới với Ukraine. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và theo sát những gì Nga đang tiến hành.”

Tuy nhiên, theo ông Stoltenberg, có “những dấu hiệu từ Moscow cho thấy Nga sẵn sàng tiếp tục tham gia vào các nỗ lực ngoại giao. Điều đó cho chúng ta một số lý do để lạc quan thận trọng, nhưng tất nhiên NATO sẽ theo dõi rất sát những gì đang diễn ra trên thực địa.”

Ông tiếp tục: “Những gì chúng ta cần thấy là sự rút lui đáng kể và lâu dài của các lực lượng, quân đội và thiết bị hạng nặng.”

Trước đó, cùng ngày 15/2, Bộ Quốc phòng Moscow thông báo, quân đội của họ đã hoàn thành các cuộc tập trận chung của họ ở Belarus và sẽ bắt đầu quá trình rút quân. Điện Kremlin cũng xác nhận thông tin này nhưng nhấn mạnh họ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận trên lãnh thổ Nga khi thấy phù hợp.

Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith cho biết Mỹ và NATO cần thời gian để đánh giá tình hình. Theo đại sứ này, hiện vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào về việc Nga rút quân khỏi biên giới như thông báo. Bà Smith nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn lo ngại về việc quân đội Nga tăng cường xung quanh biên giới Ukraine. Chúng tôi tin rằng vào thời điểm này, Nga có tất cả những gì họ cần để tấn công Ukraine.”

Trong suốt nhiều tháng, các nhà lãnh đạo phương Tây đã bày tỏ quan ngại về việc Nga có thể lên kế hoạch xâm lược nước láng giềng, đồng thời chỉ ra các báo cáo về việc Nga tăng cường quân đội ở biên giới chung của hai nước, cũng như các cuộc tập trận với Minsk như là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiềm tàng. Hồi tháng 1/2021, quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo, các cuộc tập trận có thể liên quan đến “kế hoạch cho một cuộc tấn công tiềm ẩn” nhằm vào Ukraine.

Điện Kremlin đã liên tục bác bỏ cáo buộc nêu trên và tìm cách đạt được các thỏa thuận an ninh có thể hạn chế hoạt động của NATO ở Đông Âu, cũng như sự mở rộng của khối này. Tuy nhiên, ông Stoltenberg đã chỉ trích yêu cầu của Nga trong việc NATO không kết nạp Ukraine làm thành viên. Ông nhấn mạnh, Moscow “không có quyền phủ quyết” đối với tư cách thành viên của NATO.

Nhật Minh (Theo RT)

Xem thêm: