Nepal đã cấp kỷ lục 454 giấy phép leo lên đỉnh Everest vào mùa xuân này, các quan chức cho biết hôm thứ Hai (24/4), bốn năm sau khi ít nhất bốn người thiệt mạng trên đỉnh núi cao nhất thế giới vì quá đông.

Embed from Getty Images

“Đây là số lượng giấy phép cao nhất mà bộ đã cấp để lên đỉnh Everest,” Bigyan Koirala từ bộ du lịch nói với AFP, đồng thời cho biết thêm rằng con số có thể tăng hơn nữa.

Vì hầu hết những người leo núi sẽ cố gắng chinh phục đỉnh Everest với sự trợ giúp của hướng dẫn viên người Nepal, tổng cộng hơn 900 người leo núi sẽ hướng tới đỉnh trong vài tuần tới.

Điều này có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn trên đường lên đỉnh, vốn chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn trong ngày, do thời tiết không thuận lợi ở các thời điểm khác.

Vào năm 2019, một lượng lớn xếp hàng trên đỉnh Everest đã buộc nhiều người phải chờ hàng giờ trong nhiệt độ đóng băng, làm giảm mức oxy và có thể dẫn đến kiệt sức.

Ít nhất bốn trong số 11 ca tử vong năm 2019 được cho là do tình trạng quá đông đúc.

Số lượng nhà leo núi nhận được giấy phép cao nhất trong mùa xuân này là từ Trung Quốc (96), tiếp theo là Hoa Kỳ (87).

Ang Tshering Sherpa, cựu chủ tịch Hiệp hội leo núi Nepal, nói với AFP rằng số lượng đông đúc trong mùa này là kết quả của việc nhiều người leo núi không thể đến Nepal trong những năm gần đây do đại dịch COVID gây ra.

Ngoài ra, các quy định mới ở về leo Everest ở phía Trung Quốc, theo đó yêu cầu những người leo núi phải từng leo lên một đỉnh 8.000m khác, đã khiến nhiều người đến Nepal hơn.

Một nhóm các nhà leo núi chuyên nghiệp hiện đang chuẩn bị lộ trình lên Everest và đã cố định dây lên Trại IV ở độ cao 7.924m.

Ang Tshering Sherpa cho biết tuyết rơi gần đây đã làm tăng nguy cơ tuyết lở ở vùng núi.

Ông nói: “Thông thường, lẽ ra phải có tuyết rơi vào mùa đông. Tuy nhiên, gần đây tuyết rơi vào mùa xuân. Tuyết mới vẫn còn mềm làm tăng nguy cơ tuyết lở”.

Ba nhà leo núi người Nepal đã mất tích trên đỉnh Everest khi băng qua Thác băng Khumbu vào ngày 12/4. Các nhà chức trách đã ngừng hoạt động cứu hộ sau khi kết luận rằng không thể tìm thấy thi thể của họ dưới một kẽ nứt sâu.

Nepal là quê hương của 8 trong số 10 đỉnh núi cao nhất thế giới và tiền từ những nhà leo núi nước ngoài là một nguồn thu nhập chính cho đất nước.

Chính phủ đã thu được tổng cộng 4,86 triệu USD từ giấy phép Everest, với khoản phí là 11.000 USD cho mỗi nhà leo núi nước ngoài.

Ngân Hà (theo AFP)