Các mảnh vỡ của chiếc máy bay mất tích từ hôm Chủ nhật (29/5) của hãng Tara Air chở 22 người đã được tìm thấy ở vùng núi của Nepal hôm thứ Hai, quan chức quân đội nước này cho biết.

“Lực lượng tìm kiếm và cứu hộ đã xác định vị trí thực tế nơi máy bay rơi”, phát ngôn viên quân đội Narayan Silwal cho biết trên Twitter. Bức ảnh về xác máy bay với số đuôi của chiếc máy bay có thể nhìn thấy rõ.

Không có tin tức nào về số phận của những người trên khoang, cũng chưa có chi tiết nào khác được đưa ra.

Chiếc máy bay của Tara Air gặp nạn khi đang trên hành trình bay dự kiến ​​kéo dài 20 phút vào Chủ nhật từ thị trấn nghỉ mát Pokhara, cách Kathmandu 200 km về phía tây, đến thị trấn miền núi Jomsom.

Một quan chức hãng hàng không cho biết máy bay đã mất liên lạc với tháp điều khiển 5 phút trước khi hạ cánh xuống Jomsom, một địa điểm du lịch và hành hương nổi tiếng.

Văn phòng thời tiết của nước này cho biết đã có mây mù dày đặc bao phủ ở khu vực Pokhara – Jomson kể từ sáng.

Thời tiết và bóng tối đã khiến cuộc tìm kiếm tạm dừng qua đêm. Sáng thứ Hai, một máy bay trực thăng quân đội và trực thăng tư nhân đã tiếp tục cuộc tìm kiếm.

Quân đội và các đội cứu hộ đã tiến đến địa điểm xảy ra vụ tai nạn, được cho là xung quanh Lete, một ngôi làng ở quận Mustang.

Theo hãng bay, máy bay chở 4 người Ấn Độ, 2 người Đức và 16 người Nepal, trong đó có 3 phi hành đoàn. Bảy trong số các hành khách là phụ nữ.

Ngành công nghiệp hàng không của Nepal đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, đưa khách du lịch, người hành hương và leo núi cũng như hàng hóa đến các góc hẻo lánh, nơi đường bộ bị hạn chế.

Tuy vậy, Nepal có thành tích an toàn hàng không kém, được cho là vì các lý do đào tạo và bảo dưỡng.

Liên minh châu Âu đã cấm tất cả các hãng hàng không của Nepal đến không phận của mình vì lo ngại về an toàn.

Nepal là quê hương của 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới, bao gồm Everest. Một số đường băng nằm ở những vùng núi khó tiếp cận.

Năm 1992, tất cả 167 người trên một chiếc máy bay của Hãng hàng không quốc tế Pakistan đã thiệt mạng khi nó lao xuống một ngọn đồi khi cố gắng hạ cánh xuống Kathmandu.

Đầu năm 2018, một chuyến bay của US-Bangla Airlines từ Dhaka đến Kathmandu đã gặp sự cố khi hạ cánh và bốc cháy, khiến 51 trong số 71 người trên máy bay thiệt mạng.

Năm sau, ba người chết khi một chiếc máy bay lao khỏi đường băng và đâm vào hai trực thăng khi đang cất cánh tại sân bay Lukla, là cửa ngõ chính vào khu vực Everest và được cho là một trong những nơi khó hạ cánh và cất cánh nhất trên thế giới.

Cũng trong năm 2019, Bộ trưởng Du lịch Nepal, Rabindra Adhikari, nằm trong số 7 người thiệt mạng khi một chiếc trực thăng gặp nạn ở vùng đồi núi phía đông của đất nước.

Trong tháng này, sân bay quốc tế thứ hai của Nepal đã khai trương tại Bhairahawa, nhằm mang lại sự thuận tiện hơn cho những người hành hương Phật giáo từ khắp châu Á đến nơi sinh của Đức Phật tại Lumbini gần đó.

Dự án trị giá 76 triệu USD này sẽ giảm bớt áp lực cho sân bay quốc tế Kathmandu đang quá tải.

Xuân Lan (t/h)