Thời báo New York đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì chính trị hóa lá cờ Mỹ. Một người viết: “Nếu lá cờ xúc phạm bạn, hãy chuyển đi nơi khác.”

Tờ New York Times đang phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích sau khi đăng tải bài báo chính trị hóa quốc kỳ vào thứ Bảy. Tờ báo viết: “Ngày nay, việc treo cờ Mỹ từ phía sau xe bán tải hoặc trên bãi cỏ ngày càng được coi là một manh mối, mặc dù là một manh mối không hoàn hảo, cho đảng phái chính trị của một người trong một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc.”

Trong bài báo của NY Times có tựa đề “Biểu tượng thống nhất ngày 4/7 có thể không còn đoàn kết”, tờ Times cho biết những người ủng hộ cựu TT Donald Trump đã tỏ ra yêu mến lá cờ quá nồng nhiệt, đến nỗi “những người tự do lo lắng rằng cánh tả đã phải nhường lại quốc kỳ cho cánh hữu.”

Bài báo tiếp tục, “Những gì đã từng là một biểu tượng thống nhất – có một ngôi sao trên đó cho mỗi tiểu bang – giờ đây đã trở nên xa lạ với một số người. Các sọc của nó giờ là sự đứt gãy đối với những người quỳ gối; trong khi những ai không cam kết trung thành khi bài ‘The Star-Spangled Banner’ [bài quốc ca: Cờ lấp lánh ánh sao] đang phát bị coi là một sự sỉ nhục.”

Việc quỳ gối được đề cập trên bài báo của NY Times là của các chính trị gia, nhà hoạt động cánh tả đã nhiều lần đồng loạt quỳ để bày tỏ cảm thông đối với người da đen trong phong trào Black Lives Matters. Còn vế thứ hai ám chỉ Gwen Berry – vận động viên ném tạ Olympic của Mỹ gần đây đã quay lưng lại quốc kỳ để bày tỏ sự phản đối khi quốc ca vang lên.

New York Times đã minh họa sự chia rẽ này bằng cách nói chuyện với những người ở Southold, North Fork của Hạt Suffolk, Long Island.

Peter Treiber Jr đã vẽ cờ Mỹ trên chiếc xe tải chở khoai tây của mình như một cách để thu hút sự chú ý đến sản phẩm mà anh bán trong trang trại của gia đình mình.

Anh kể lại rằng tại một siêu thị địa phương nơi anh bán sản phẩm, anh đã gặp khó khăn trong việc thỏa thuận vì người phụ nữ làm việc ở đó cảm thấy e ngại khi anh vẽ lá cờ lớn lên xe.

“Đó là lý do tại sao cô ấy e ngại khi tương tác với tôi,” tờ NY Times trích lời Treiber, “điều đó cho thấy sự chia rẽ của quốc gia chúng ta chỉ với biểu tượng lá cờ. Điều đó đã khiến tôi phải nghĩ, “Tôi có cần phải xem xét lại việc vẽ lá cờ ngoài xe không?”

NY Times tiếp tục dẫn câu chuyện của David Surozenski, người ở gần trang trại của Treiber và là một đảng viên Cộng Hòa, đã treo cờ Mỹ ở sân trước của mình, cũng như cờ của Thủy quân lục chiến và Cảnh sát biển, nơi ông có con đang phục vụ.

Ông nói rằng ông đã bị áp lực bởi bạn bè để thêm các biểu ngữ ủng hộ Trump và biển “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, nhưng đã từ chối, nói rằng “Đó không phải là cách tôi được nuôi dạy. Lá cờ Mỹ cho chính trị ư? Không.”

John Hocker, một đảng viên Cộng hòa cho biết đôi khi ông bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, nói với tờ Times rằng ông cũng cảm thấy lá cờ đã mất đi ý nghĩa thống nhất của nó.

Ông nói rằng quá nhiều người Mỹ đã thay đổi lá cờ để phù hợp với danh tính của họ, ví dụ như các sọc cầu vồng – biểu tượng của niềm tự hào đồng tính hoặc sọc xanh để thể hiện tình đoàn kết với cảnh sát.

Hocker cho biết ông treo cờ Mỹ, bởi vì nó gắn liền với lịch sử của nước này. “Cho dù một số người có thể không thích ngày này và một số người đang bị đánh giá cho ngày hôm nay vì những gì họ đã làm 300 năm trước, thì đó vẫn là đất nước của chúng ta. Mọi điều tốt và xấu đều là đất nước của chúng tôi. Đó là những gì lá cờ đại diện.”

Tuy nhiên, tờ Times cũng lưu ý rằng “70% người Mỹ nói rằng lá cờ khiến họ cảm thấy tự hào”. Tuy nhiên, trong khi 66% đảng viên Đảng Cộng hòa cho biết họ gắn lá cờ với đảng của mình, chỉ 34% đảng viên Dân chủ cho biết điều tương tự.

Tờ Times cũng thừa nhận: “Chính trị hóa quốc kỳ Mỹ là một hành động sai lầm so với mục đích ban đầu của nó.”

Quốc kỳ Mỹ có thiết kế rất đặc biệt khi ra đời năm 1777, tượng trưng cho sự thống nhất và sự gia nhập của 13 thuộc địa, theo John Vile, giáo sư khoa học chính trị và là hiệu trưởng tại Đại học bang Middle Tennessee. Ông nói thêm rằng việc chính trị hóa lá cờ là một việc làm sai lệch so với mục đích ban đầu của nó.

Giáo sư Vile nhắc lại về một trong các giá trị làm nên nước Mỹ, đó là E Pluribus Unum (Từ rất nhiều, một) được khắc lên Quốc huy Hoa Kỳ. Giá trị này có nghĩa là người Mỹ không quan tâm đến việc bạn đến từ đâu, không quan tâm đến dòng máu đang chảy trong người bạn là gì, nguồn gốc sắc tộc, tôn giáo của bạn của bạn như thế nào. Miễn là bạn tới Mỹ (một cách hợp pháp) và sẵn sàng làm việc để làm cho cuộc sống của bạn và những người xung quanh trở nên tốt đẹp hơn thì bạn được coi là người Mỹ, là một thành viên chính thức và trọn vẹn trong xã hội.

“Nếu pluribus lấn át unum, thì chúng ta còn lại gì?” – ông đặt câu hỏi.

Phản ứng lại bài báo của NY Times, nhà báo Jack Posobiec đã tweet, “Cầu nguyện cho tất cả các phóng viên của NY Times, những người phải chịu đựng những lá cờ Mỹ vào cuối tuần này.”

Nhà văn Erick Erickson thì viết, “Nếu lá cờ Mỹ xúc phạm bạn, hãy chuyển đi nơi khác.”

Phóng viên của Daily Wire, Ryan Saavedra gợi ý rằng “Chỉ có những kẻ cặn bã mới thấy có vấn đề với lá cờ Mỹ.”

Nhà báo Jerry Dunleavy của Washington Examiner viết, “Lá cờ Mỹ thuộc về tất cả những người Mỹ thiện chí. Đừng để chính trị của bạn làm bạn mù quáng. Tôn vinh nước Mỹ. Chào mừng Ngày Độc lập.”

Xuân Lan (t/h)

Xem thêm: