Một ông bố cho con gái nghỉ học tại một trường tư thục ở New York với học phí hàng năm là 43.000 USD nói rằng, nhiều bậc cha mẹ đã không nhận ra việc giảng dạy văn hóa “thức tỉnh” ở các trường học tại New York tồi tệ như thế nào. Ông kêu gọi các phụ huynh khác hãy làm điều tương tự như mình.

p2929811a895705875
Tòa nhà của Trường Heschel tại số 30 Đại lộ Tây ở Manhattan, Thành phố New York, Hoa Kỳ. (Nguồn: Eden, Janine và Jim / CC BY 2.0)

Dạy trẻ lý thuyết chủng tộc là ngược đãi trẻ

Theo báo cáo của Daily Mail vào ngày 5/5, ông Harvey Goldman đã kéo con gái 9 tuổi của mình ra khỏi Trường Heschel, một trường ngày Do Thái (Jewish day school) ở Upper West Side, vì nhân thấy chương trình giảng dạy của họ “dạy trẻ em cảm thấy tồi tệ về màu da của chúng”.

Vào ngày 4/5, ông Goldman nói: “Họ đang dạy bọn trẻ những điều khủng khiếp này, dạy chúng cảm thấy tồi tệ về bản thân, điều đó thực sự đáng sợ.”

Ông Goldman và gia đình chuyển đến Florida sau khi biết rằng các học sinh lớp 4 được dạy kèm “đặc quyền da trắng”.

Vào tối ngày 4/5, ông nói với người dẫn chương trình Tucker Carlson của Fox News rằng các phụ huynh khác đã liên hệ với ông để xin lời khuyên và ông đã đề nghị họ làm theo. Ông Goldman cho biết: “Tôi đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các phụ huynh đang cho con nghỉ học. Họ không hài lòng với những gì nhà trường dạy con họ. Tôi không biết họ có thể làm gì khác hơn là dạy cho nhà trường một bài học bằng cách để con họ rời đi và rút lại tiền của mình.”

Ông Goldman chỉ là một trong số rất nhiều phụ huynh và giáo viên phàn nàn về chương trình giảng dạy “thức tỉnh” ở các trường tư thục của thành phố New York .

“Thuyết phân biệt chủng tộc phê phán” (CRT) là một khung lý thuyết tin rằng xã hội bị thống trị bởi quyền tối cao của người da trắng. Nó nghiên cứu sự phân biệt chủng tộc có hệ thống và phân chia mọi người thành loại “đặc quyền” và loại “bị áp bức” theo màu da của họ.

Khi được hỏi tại sao các bậc cha mẹ khác không theo cách làm của ông, ông trả lời rằng nhiều người không nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề này.

Ông nói: “Tôi nghĩ nhiều người trong số họ không biết điều này tồi tệ như thế nào, hoặc ở trường người ta đang dạy con cái họ điều gì. Và nếu bạn ở New York, thật khó để tìm một trường khác, bởi vì rất nhiều các trường đang giảng dạy lý thuyết phân biệt chủng tộc này. Họ có sự đồng thuận về việc giảng dạy loại lý thuyết đó. Nhưng một nơi như Florida, tôi chưa bao giờ nghe nói về nó.”

Người dẫn chương trình Carlson hỏi, liệu ông Goldman có thấy mọi thứ tốt hơn ở Florida không.

“Tốt hơn nhiều”, ông Goldman trả lời. “Các trường học chưa bao giờ nghe nói về lý thuyết chủng tộc phê phán. Họ không dạy lý thuyết chủng tộc phê phán. Họ không biết điều này. Bọn trẻ đi đến công viên và chúng muốn chơi cùng nhau. Chúng không quan tâm đến những đứa trẻ khác có màu da gì. Điều chúng quan tâm là chúng đang chơi vui vẻ.”

Goldman cho biết lần đầu tiên ông đặt câu hỏi về sự thay đổi chương trình giảng dạy sau khi đọc về nó trong một bản tin. 

Sau đó, ông đã viết thư cho trường học vào tháng Chín, gọi đó “là ngược đãi trẻ em, chứ không phải là giáo dục”.

Nhà trường cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi là một trường học ngày Do Thái, và tự hào về các khóa học thế tục và tôn giáo của chúng tôi. Ông Goldman về cơ bản là đã xuyên tạc. Gia đình ông ấy đã thông báo với chúng tôi vào mùa hè năm ngoái rằng họ có thể sẽ chuyển đến Florida vì lý do kinh tế. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy cách diễn giải mới của ông ấy về việc di dời và đặt câu hỏi về động lực của ông ấy để đưa ra tuyên bố như vậy vào thời điểm này.”

Ông Goldman thừa nhận rằng gia đình đã lên kế hoạch chuyển đến Florida, nhưng ông cho biết đã viết thư cho trường vào tháng Chín năm ngoái.

Trong lá thư đó, ông viết: “Trước hết, cả con tôi và tôi đều không có ‘đặc quyền của người da trắng’, và chúng tôi không cần phải xin lỗi vì điều đó. Thật là một sự xúc phạm khi ám chỉ rằng tôi có (đặc quyền) như vậy. Ám chỉ rằng con gái 9 tuổi của tôi có (đặc quyền), đó là ngược đãi trẻ, chứ không phải là giáo dục.”

Ông Goldman nói với New York Post rằng phản ứng của quản trị viên trường là “kiêu ngạo và khinh thường”, họ đề nghị ông cho con gái nghỉ học nếu không hài lòng.

Ông đã làm như vậy và chuyển gia đình đến Florida, nơi con gái ông hiện đang theo học tại một trường công lập miễn phí, ông đã kiểm tra để đảm bảo rằng lý thuyết phân biệt chủng tộc không nằm trong chương trình giảng dạy. Hiệu trưởng của Trường Herschel là Ariela Dubler.

Cha mẹ thành lập tổ chức từ thiện để phản đối “chính thống” mới

Ngày càng có nhiều phản ứng dữ dội chống lại tư tưởng phân biệt chủng tộc “thức tỉnh” tại các trường tư thục danh tiếng ở New York, một số phụ huynh đã bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.

Bion Bartning, phụ huynh của Trường Riverdale Country cho biết, anh rất không hài lòng với những hệ tư tưởng được dạy ở đó nên đã kéo con mình ra khỏi ngôi trường có học phí 54.000 USD/ năm này.

Bartning sau đó đã đi một bước xa hơn, thành lập Tổ chức Chống lại sự Không khoan dung & Phân biệt chủng tộc (FAIR) để chống lại cái mà anh gọi là “chính thống” mới nguy hiểm.

Cha mẹ anh Bartning, một người mang dòng máu hỗn hợp Mexico và Yakis, một người mang dòng máu Do Thái. Anh đã rất sốc khi biết rằng trẻ em đi học bị buộc phải dán nhãn mình là đặc quyền hoặc bị áp bức dựa trên màu da của chúng.

Anh Bartning nói với tờ New York Post: “Tôi không thuộc bất kỳ chủng tộc nào. Tôi nghĩ thật sai lầm khi dạy trẻ em những cách phân loại chủng tộc được xây dựng trên phương diện xã hội. Đây là một hệ tư tưởng phá hoại, dạy trẻ em bi quan và đầy bất bình hơn là lạc quan và tràn đầy lòng biết ơn. Nó đi ngược lại với tất cả những giá trị mà tôi đã được nuôi dưỡng và có rất nhiều người ngoài kia cũng có cảm xúc như tôi.”

Bartning nói rằng anh ấy thậm chí đã bắt gặp việc cho trẻ em xem bảng màu để chúng có thể đánh giá mức độ đặc quyền dựa trên màu da của chúng.

Phụ huynh của các trường công lập tham gia phong trào chống CRT

Một số phụ huynh trường công lập cũng đã tham gia phong trào chống lại “Thuyết phân biệt chủng tộc phê phán” (CRT)

Cô Maud Maron, ứng cử viên hội đồng thành phố, người có bốn đứa con học ở một trường công lập địa phương, đã chỉ trích cái gọi là triết lý chống phân biệt chủng tộc, bởi vì các lý thuyết phân biệt chủng tộc thường được dán nhãn như vậy.

Cô Maron nói với tờ New York Post: “Đó thực sự là một nền ‘chính thống’ gây chia rẽ và xấu xa. Nó cũng là một ngành công nghiệp trị giá hàng triệu đô la. Nó cũng rất quỷ quyệt bởi vì nhìn bề ngoài, ai lại không muốn gia nhập để bớt phân biệt chủng tộc chứ?”  

Đồng chủ tịch chiến dịch của Maron, cô Chu Nhã Đình (Chu Yiatin), cho biết cô đã bị phỉ báng vì công khai phản đối các lý thuyết phân biệt chủng tộc phê phán. Cô nói: “Tôi bị gọi là ‘Karen’ và họ đã cố gắng gây áp lực buộc tôi ngừng lên tiếng.”

Karen là một từ có tính xúc phạm ngày càng được sử dụng như một thuật ngữ chung cho phụ nữ da trắng thuộc tầng lớp trung lưu trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, và đã trở thành từ đồng nghĩa với phụ nữ da trắng phân biệt chủng tộc.

Cô Chu nói: “Về thể chất, tình cảm và tinh thần, điều này mang lại rất nhiều áp lực. Cảm giác như một nhóm côn đồ đang nhào tới bạn, nói rằng bạn là người phân biệt chủng tộc, bởi vì bạn phải đấu tranh cho phương thức giáo dục mà bạn muốn cho tất cả trẻ em. Tôi thấy rằng nó đang hủy hoại cuộc sống.”

Melissa Chen, một thành viên trong ban cố vấn của Tổ chức Chống lại sự Không khoan dung & Phân biệt chủng tộc (FAIR), nói với Fox News rằng trẻ em đi học đã “thấm nhuần một quan điểm chính thống phân biệt chủng tộc mới rất hoài nghi và không khoan dung, buộc mọi người phải nhìn nhau bằng những đặc điểm bất biến, chẳng hạn như bởi màu da của họ.”

Cô kêu gọi các tổ chức giáo dục quay trở lại với quan điểm của Martin Luther King Jr., đó là “đánh giá con người dựa trên nội dung tính cách chứ không phải bằng màu da”.

“Sự trả thù” của thầy giáo

Phản ứng dữ dội giữa các trường trung học tư thục và công lập xảy ra sau khi ngày càng có nhiều tranh cãi nổi lên ở các trường dự bị ưu tú của Thành phố New York, nơi một số phụ huynh và giáo viên phàn nàn về những ý tưởng chống phân biệt chủng tộc được dạy cho con cái của họ.

Giáo viên dạy toán Paul Rossi đã bị trường Grace Church có học phí 57.000 USD/ năm ở Manhattan “sa thải”, sau khi viết một bài luận cáo buộc nhà trường dạy học sinh vào tuần trước.

Rossi sau đó đã phát hành một đoạn ghi âm cuộc điện thoại, trong đó người đứng đầu trường học, George Davison, thừa nhận với anh rằng “chúng tôi đang yêu ma hóa người da trắng.”

Trong một lá thư mà tờ Daily Mail thu được, Davidson cho rằng những nhận xét của ông đã bị đưa ra ngoài ngữ cảnh và không thực sự tin rằng trường học đang ma quỷ hóa học sinh da trắng. Ông cho rằng Rossi muốn trả thù bằng cách ghi âm cuộc trò chuyện của họ và đăng đoạn âm thanh lên Twitter.

Nhà bình luận bảo thủ Candace Owens cho rằng phụ huynh cần bắt đầu khởi kiện những trường học “thức tỉnh” muốn xóa bỏ tư duy bảo thủ. Cô nói với Fox News: “Các bậc cha mẹ cần phải bắt đầu lên tiếng, không chỉ lên tiếng mà còn cần phải kiện. Bạn cần phải bắt đầu kiện những trường này vì họ đang hủy hoại cuộc sống của trẻ nhỏ.”

Thấm nhuần “văn hóa thức tỉnh” đang phá hủy các trường học ưu tú

Vivek Ramaswamy, tác giả cuốn “Thức tỉnh, bên trong: Lừa đảo công bằng xã hội” (Woke, IncInside: Corporate America Social Justice Scam), cũng chỉ trích cái mà ông gọi là văn hóa “nhồi sọ” (indoctrination).

Vivek Ramaswamy at The Future of Biomedical Research in Europe Basel Conference 2017
Ông Vivek Ramaswamy (Nguồn: Sedgedorrit/ Wikimedia)

Ông cho rằng các trường học ở Mỹ đang “xuống dốc” vì họ đã bị “tiêm nhiễm” bởi “văn hóa thức tỉnh” “hy sinh những ý tưởng xuất sắc” bởi những học sinh bị “nhồi sọ”.

Điều này xảy ra sau khi ông Andrew Gutmann, 45 tuổi, thông báo trong một bức thư vào ngày 13/4 được phóng viên Bari Weiss chia sẻ, nội dung nói rằng ông đã chọn không cho con gái mình đăng ký học lại trường nữ sinh (Brearley School), nơi học phí hàng năm là 54.000 USD.

Ông yêu cầu con gái rời trường Brearley vì “nỗi ám ảnh về chống phân biệt chủng tộc” đang “thức tỉnh”. Ông cáo buộc nhà trường “dạy học sinh những gì phải nghĩ chứ không phải cách nghĩ.” Và phản ứng của nhà trường là chỉ trích ông vì đã nói lời “xúc phạm”.

Jim Best, hiệu trưởng của Trường Dalton, một trường ưu tú ở Manhattan, cũng thông báo rằng ông sẽ từ chức trong năm nay sau khi bị phụ huynh chỉ trích vì đã thúc đẩy học sinh theo một chương trình chống phân biệt chủng tộc mang tính “cưỡng bức”.

Best nói rằng ông sẽ dành một năm tại ngôi trường học phí hằng năm 50.000 USD này, và sau đó từ chức để tìm kiếm “những cơ hội khác”.

Việc từ chức của ông là để đáp lại lời phàn nàn của phụ huynh rằng Dalton, giống như các trường tư thục nổi tiếng khác, Trường Grace Mission và Trường Briarley, đang truyền bá cho học sinh của mình một chương trình nghị sự “thức tỉnh”.

Phụ huynh của Dalton College cũng đã viết một bức thư ngỏ nặc danh cho trường.

Thư viết: “Mọi lớp học năm nay đều tập trung liên tục vào chủng tộc và thân phận. ‘Cảnh sát phân biệt chủng tộc’ trong lớp khoa học xuất hiện trở lại, ‘tập trung loại bỏ người da trắng’ trong lớp học nghệ thuật, tìm hiểu đặc quyền tối cao của người da trắng và tình dục trong lớp sức khỏe. Hoàn toàn không phù hợp. Nhiều khóa học trong số này giống như khóa đào tạo trực tuyến về tính nhạy cảm của công ty Zoom hơn là các khóa học trí tuệ của Dalton.”

Trường Spence, một trường tư thục dành cho nữ sinh ở Manhattan với học phí hàng năm là 54.000 USD, đã gửi một email đến gia đình để ủng hộ kết án cựu cảnh sát Mỹ Derek Chauvin trong vụ giết George Floyd.

Một cựu sinh viên không muốn nêu tên, đã bị sốc sau khi nhận được bức thư, cô nói với Daily Mail rằng cô bị sốc vì “cách họ (nhà trường) ép học sinh tham gia thử nghiệm”.

Vào năm 2020, tỷ phú quản lý quỹ đầu cơ John Paulson đã đe dọa sẽ ngừng quyên góp cho Trường Spence vì “cách dạy chống người da trắng” trong các khóa học mà hai cô con gái của ông đang học.

Thành Dung, Vision Times

Xem thêm: