Điện Kremlin đã bác bỏ thông tin nói rằng Nga có kế hoạch bí mật mua 40.000 quả rocket từ Ai Cập. Thông tin cáo buộc trên xuất hiện trong các tài liệu mật của Mỹ vừa bị rò rỉ trên mạng xã hội, theo hãng tin RT.

Ai Cập
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. (Ảnh: Viiviien/ShutterStock)

Cụ thể, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong một cuộc điện thoại với các phóng viên ngày 11/4: “Đây có vẻ như lại là một câu chuyện sai sự thật khác, vì ngày nay có rất nhiều chuyện như vậy trên các phương tiện truyền thông”.

Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, ngày 10/4, ông Peskov cũng trả lời câu hỏi liệu Nga có đứng sau vụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ hay không. Ông cho hay: “Không, tôi không thể bình luận về điều này dưới bất kỳ hình thức nào. Tất cả chúng ta đều biết rằng xu hướng liên tục đổ lỗi cho Nga về mọi thứ đang là căn bệnh phổ biến hiện nay. Vì vậy, không có gì để bình luận cả”.

Khi được yêu cầu bình luận về các thông tin cho rằng Mỹ có thể đang theo dõi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Peskov nói rằng không thể loại trừ khả năng này.

Trước đó, tờ The Washington Post trích dẫn một tài liệu tình báo của Mỹ tuyên bố rằng Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã ra lệnh sản xuất tới 40.000 rocket để bí mật chuyển cho Nga.

Ông El-Sisi đã ban hành chỉ thị vào ngày 1/2 về giữ bí mật việc cung cấp rocket cho Nga để “tránh các vấn đề với phương Tây”. Ông el-Sisi nói với một người được gọi là Salah al-Din rằng cần thông báo với các công nhân nhà máy là các rocket này được sản xuất để quân đội Ai Cập dùng. Người có tên Salah al-Din có lẽ là Mohamed Salah al-Din, bộ trưởng phụ trách sản xuất quân sự của Ai Cập.

Theo tài liệu mật, số rocket mà Ai Cập định chuyển cho Nga nói trên sẽ do Nhà máy 18 sản xuất. Đây là tên một nhà máy sản xuất hóa chất có tuổi đời hàng chục năm.

Tài liệu trích lời ông Salah al-Din nói rằng ông sẽ ra lệnh cho người của mình làm việc theo ca nếu cần thiết vì đó là điều tối thiểu mà Ai Cập có thể làm để đền đáp sự giúp đỡ trước đó của Nga. Tài liệu không nói rõ Nga từng giúp đỡ gì cho Ai Cập trước đó. Theo tài liệu, ông Salah al-Din đã nói rằng người Nga cho biết họ sẵn sàng “mua bất cứ thứ gì”.

Cung cấp vũ khí cho Nga để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine sẽ là một bước đi mạo hiểm, có thể khiến Ai Cập bị Mỹ trừng phạt. Nước này dù có quan hệ sâu sắc hơn với Nga, nhưng vẫn đầu tư sâu vào quan hệ đối tác với Mỹ.

Phản ứng với thông tin bị rò rỉ, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zeid tuyên bố: “Lập trường của Ai Cập ngay từ đầu là không can dự vào cuộc khủng hoảng này và cam kết duy trì khoảng cách bình đẳng với cả hai bên”. Ông cũng khẳng định Ai Cập ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế trong các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ông cho biết: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi cả hai bên chấm dứt hành động thù địch và đạt được giải pháp chính trị thông qua đàm phán”.

Trong một tuyên bố với kênh truyền hình Al-Qahera News ngày 11/4, một quan chức Ai Cập cũng đã lên tiếng phủ nhận các thông tin cho rằng nước này đang cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, đồng thời mô tả tài liệu bị rò rỉ là bịa đặt.

Phan Anh

Video: Nền tảng giáo dục gia đình: Dạy con biết xấu hổ