Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, các vệ tinh thương mại của Mỹ và đồng minh có thể trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga nếu chúng tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine.

SpaceX ky thoa thuan dau tien ve cung cap Internet ve tinh Starlink tren may bay 1
(Ảnh minh họa: Aleksandr Kukharskiy/Shutterstock)

Vào năm 1957, Nga đã phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên là Sputnik 1 vào không gian và năm 1961 lần đầu tiên đưa con người ra ngoài không gian. Tương tự như Mỹ và Trung Quốc, Nga có khả năng tấn công ngoài không gian đáng kể và năm 2021 đã từng phóng tên lửa chống vệ tinh để phá hủy một trong những vệ tinh của chính mình.

Konstantin Vorontsov, Phó giám đốc Bộ Ngoại giao Nga về không phổ biến vũ khí và kiểm soát vũ khí của Nga, nói với Liên Hợp Quốc rằng Hoa Kỳ và các đồng minh đang cố gắng sử dụng không gian để tăng cường sự thống trị của phương Tây.

Ông Vorontsov cho biết việc sử dụng các vệ tinh của phương Tây để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine là “một xu hướng cực kỳ nguy hiểm”.

“Cơ sở hạ tầng bán dân sự có thể là mục tiêu hợp pháp cho một cuộc tấn công trả đũa”, ông Vorontsov nói trước Ủy ban thứ nhất của Liên Hợp Quốc và nói thêm rằng việc phương Tây sử dụng các vệ tinh như vậy để hỗ trợ Ukraine là “hành động khiêu khích”.

“Chúng tôi đang nói về sự tham gia của các thành phần cơ sở hạ tầng không gian dân sự và thương mại của Hoa Kỳ và các đồng minh trong các cuộc xung đột vũ trang”, ông Vorontsov nói tại Liên Hợp Quốc.

Ông Vorontsov không đề cập đến bất kỳ công ty vệ tinh cụ thể nào mặc dù tỷ phú Mỹ Elon Musk cho biết hồi đầu tháng rằng công ty tên lửa SpaceX của ông sẽ tiếp tục tài trợ cho dịch vụ internet Starlink của họ ở Ukraine, với lý do cần phải “làm việc tốt.”

Hôm 14/10 vừa qua, ông Musk cho biết rằng lực lượng Nga đang tích cực tìm cách tiêu diệt Internet vệ tinh Starlink.

Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, phá hoại sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau COVID và gây ra cuộc đối đầu gay gắt nhất với phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Ngân Hà (theo Reuters)