Nga tiếp tục cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu khi tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom từ chối hợp tác với một tập đoàn hàng đầu của Hà Lan và ngừng cung cấp sang một số công ty ở Đan Mạch và Đức.

Embed from Getty Images

Cuộc chiến kinh tế ngày càng được tăng cường vào thứ Ba sau quyết định của EU về việc áp lệnh cấm vận đối với hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga như một phần của các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Điện Kremlin.

Các nhà lãnh đạo EU cho biết lệnh cấm sẽ ngay lập tức tác động đến 75% lượng dầu nhập khẩu của Nga, và sẽ tăng lên 90% vào cuối năm nay.

Hôm 31/5, Gazprom đã mở rộng các biện pháp trả đũa bằng cách ngừng cung cấp cho GasTerra, công ty mua và kinh doanh khí đốt thay mặt cho chính phủ Hà Lan.

Sau đó, Gazprom cho biết họ cũng sẽ cắt việc cung cấp khí đốt cho công ty năng lượng Đan Mạch Ørsted và Shell Energy liên quan đến hợp đồng cung cấp khí đốt cho Đức, sau khi cả hai công ty không thanh toán bằng đồng rúp.

GasTerra cho biết họ đã tìm được các hợp đồng ở nơi khác để cung cấp 2 tỷ mét khối khí đốt mà lẽ ra họ nhận được từ Gazprom từ nay đến tháng 10.

Trước cuộc hội đàm diễn ra vào đêm muộn tại Brussels, Đan Mạch đã báo hiệu rằng họ dự kiến ​​nguồn cung khí đốt của Nga sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, Ørsted hôm thứ Hai cho biết việc cắt giảm khí đốt sẽ không khiến nguồn khí đốt của đất nước gặp rủi ro ngay lập tức.

Moscow đã ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan, sau khi các nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp của Nga.

Gazprom cho biết Shell và Ørsted đã không thanh toán tiền giao khí đốt vào cuối ngày làm việc hôm 31/5 và sẽ ngừng giao hàng cho đến khi họ thanh toán đúng với yêu cầu của Nga.

Điện Kremlin đã yêu cầu thanh toán cho hàng xuất khẩu bằng đồng rúp vào đầu mùa xuân, sau khi đồng tiền của nước này lao dốc sau cuộc xâm lược Ukraine và Nga bị loại khỏi hệ thống nhắn tin ngân hàng quốc tế Swift trong các vòng trừng phạt trước đó.

Ủy viên năng lượng của EU cho biết các quốc gia thành viên sẽ phải từ chối yêu cầu của Moscow, vì cơ chế do Nga đặt ra sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của khối.

Việc cắt giảm nguồn cung đã đẩy giá khí đốt vốn đã cao thậm chí còn lên cao hơn, góp phần làm lạm phát tăng vọt, đồng thời gây áp lực lên các chính phủ và công ty châu Âu trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp và cơ sở hạ tầng thay thế, bao gồm cả các cơ sở lưu trữ.

Lê Vy