Hôm thứ Ba (15/03), Nga đã chủ động rời khỏi Hội đồng Châu Âu, cơ quan giám sát nhân quyền hàng đầu của lục địa, trước viễn cảnh bị trục xuất khỏi Hội đồng vì cuộc tấn công vào nước láng giềng Ukraine.

Embed from Getty Images

Nga là quốc gia thứ hai rời cơ quan châu Âu có nhiệm vụ duy trì nhân quyền và pháp quyền này kể từ khi nó được thành lập sau Thế chiến thứ hai.

Hy Lạp đã làm điều tương tự vào năm 1969, cũng để tránh bị trục xuất, sau khi một nhóm sĩ quan quân đội giành chính quyền trong một cuộc đảo chính quân sự. Nhưng Hy Lạp đã gia nhập trở lại sau khi khôi phục nền dân chủ 5 năm sau đó.

Quyết định của Nga được công bố vài giờ trước cuộc bỏ phiếu về việc trục xuất trong Hội đồng Châu Âu.

Tuy vậy, quyết định này cũng đi kèm những hậu quả.

Cụ thể, Công ước Nhân quyền sẽ không còn áp dụng đối với Nga và người Nga sẽ không còn có thể khiếu nại lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu chống lại chính phủ của họ.

Giải thích về sự ra đi của mình, Nga cáo buộc các nước phương Tây phá hoại cơ quan nhân quyền.

Leonid Slutsky, người đứng đầu Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hạ viện Nga, cáo buộc các nước NATO và Liên minh châu Âu coi Hội đồng châu Âu là “một phương tiện hỗ trợ ý thức hệ cho việc mở rộng quân sự – chính trị và kinh tế của họ sang phía đông” .

Trong một nghị quyết được soạn thảo vào thứ Hai nhưng được thông qua vào thứ Ba sau thông báo của Moscow, Hội đồng Châu Âu cho rằng Nga nên bị loại bỏ. Nghị quyết nói: “Trong ngôi nhà chung châu Âu, không có chỗ cho kẻ xâm lược.”

Cựu Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou, hiện là thành viên Quốc hội của Hội đồng Châu Âu, cho biết: “Quyết định hôm nay không chống lại người dân Nga, mà là chống lại chế độ chuyên quyền, độc đoán, áp bức của (Tổng thống Nga Vladimir) Putin”.

Ông nói: “Đất nước của tôi, Hy Lạp, đã bị đuổi khỏi Hội đồng Châu Âu vào những năm 1970… quyết định này đã củng cố cuộc đấu tranh vì dân chủ và tự do của chúng tôi.”

Nga mô tả cuộc xâm lược Ukraine là một “hoạt động đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, cũng như ngăn chặn một cuộc diệt chủng đối với những người nói tiếng Nga. Ukraine và các đồng minh phương Tây gọi đây là cái cớ vô căn cứ để gây chiến.

Hội đồng Châu Âu được thành lập vào năm 1949, trong đó Nga tham gia vào năm 1996.

Xuân Lan (theo Reuters)