Hãng thông tấn Nga Interfax, trích dẫn nguồn tin từ lực lượng thực thi pháp luật Nga cho biết hôm qua (3/4), một vụ nổ được nghi là đánh bom tự sát có liên quan đến những kẻ Hồi giáo cực đoan đã xảy ra trong một chuyến tàu chở hàng tại thành phố St Peterburg làm 11 người thiệt mạng và 45 người khác bị thương.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, đang có chuyến công du tại thành phố này khi vụ nổ xảy ra, đã đến thăm hiện trường vụ nổ vào ngay tối muộn thứ Hai và đặt một bó hoa đỏ tại bàn thờ được dựng tạm để tưởng niệm các nạn nhân.

Các nhân chứng cho biết họ đã nhìn thấy những hành khách với thân thể đẫm máu và đang bốc cháy tràn ra khỏi tàu, các cánh cửa tàu bị uốn cong và bị thổi bay bởi sức ép của vụ nổ, khói đen bao phủ toàn bộ khu nhà ga.

Các chuyên gia an ninh cho biết nước Nga đã từng nhiều lần phải gánh chịu những cuộc tấn công bằng bom do những kẻ nổi dậy Hồi giáo tại khu vực Bắc Caucasus của Nga thực hiện. Cuộc nổi dậy ở đó đã bị quân chính phủ phá vỡ, nhưng sự can thiệp quân sự của Nga ở Syria hiện nay đã làm cho nó trở thành một mục tiêu tiềm năng cho các cuộc tấn công của Hồi giáo.

Chưa có lực lượng nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ nổ này. Các quan chức cho biết họ đang tiến hành xử lý vụ nổ này theo tiến trình khắc phục một hành động khủng bố, nhưng không có xác nhận chính thức về bất kỳ liên kết nào với những kẻ Hồi giáo cực đoan.

Trước đó, các phương tiện truyền thông Nga đã phát sóng cảnh quay ở quanh khu vực vụ nổ về hình ảnh một người đàn ông để râu dài mà họ cho là đang bị cảnh sát tìm kiếm như một nghi phạm. Nhưng Interfax báo cáo rằng người đàn ông đã rời đi và được loại bỏ khỏi cuộc điều tra.

Cơ quan thông tấn này, qua một nguồn tin từ viên chức thực thi pháp luật giấu tên, nói rằng qua khám nghiệm tử thi tại hiện trường cho thấy khả năng vụ nổ đã được thực hiện bởi một kẻ đánh bom tự sát và cảnh sát đã xác định một nghi can có liên kết với các nhóm Hồi giáo cực đoan bị cấm ở Nga.

Nếu khẳng định rằng vụ đánh bom đã được thực hiện bởi những kẻ Hồi giáo cực đoan, Kremlin có thể lập luận cuộc tấn công này nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch của Nga ở Syria, nơi nó ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống lại các chiến binh Hồi giáo.

Tuy nhiên, một số thành phần trong xã hội Nga có thể coi vụ đánh bom tại ga tàu điện ngầm này là bằng chứng cho thấy rằng quyết định can thiệp vào Syria của Tổng thống Putin đã khiến dân thường Nga trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ Hồi giáo cực đoan.

Cảnh tượng tại hiện trường vụ nổ

Ngay sau khi vụ nổ xảy ra lúc 2 giờ 40 phút chiều ngày 2/4 (giờ St Peterburg), xe cứu thương và cứu hỏa đã được điều động tới hiện trường ở nhà ga Sennaya Ploshchad. Một trực thăng bay tầm thấp cũng được đưa tới và sau đó hạ cánh lên một đại lộ rộng rãi để  đưa một hành khách bị thương đi cấp cứu.

Leonid Chaika, một cư dân St Peterburg, đã ở trong nhà ga khi vụ nổ xảy ra, nói với hãng tin Reuters qua điện thoại rằng: “Tôi nhìn thấy rất nhiều khói, đám đông đang trên đường tới thang cuốn, nhiều người bị vấy máu toàn thân và đẫm máu trên quần áo và mặt. Nhiều người đã khóc.”

Ủy ban chống khủng bố quốc gia cho biết một thiết bị nổ đã được tìm thấy tại một nhà ga khác, giấu trong một bình chữa cháy, nhưng đã bị phá hủy.

Vụ nổ này gây ra lo ngại về an ninh vượt ra bên ngoài ngoài biên giới Nga. Pháp, nước từng gánh chịu một loạt các cuộc tấn công gần đây, đã ngay lập tức thông báo các biện pháp an ninh bổ sung tại thủ đô Paris.

Video từ hiện trường cho thấy những người bị thương đang nằm trên nền sân ga toàn máu, một số đang được các nhân viên cấp cứu và hành khách đi cùng sơ cứu. Những người khác cố gắng trốn thoát khỏi nhà ga phủ kín khói, một số đang gào thét trong hoảng loạn hoặc lấy hai tay che mặt.

Một hố khổng lồ đã bị nổ tung bên cạnh một toa tầu và cánh cửa thổi bay, với đống đổ nát kim loại tràn lan trên sân ga. Hành khách đã được nhìn thấy đập vào cửa sổ của một toa tầu với cửa đóng kín sau khi tàu đã vào ga.

Truyền hình Nga cho biết nhiều người đã bị thương do mảnh vỡ kính và kim loại, áp lực của vụ nổ được khuếch đại bởi khoảng trống giữa các toa tàu và đường hầm.

Anna Sventik, một cư dân St Petersburg, đi trên một chuyến tàu điện ngầm qua chính nhà ga nơi vụ nổ vừa diễn ra, nói với Reuters rằng: “Tàu của của chúng tôi đi chậm lại, và một phụ nữ bắt đầu hoảng loạn khi cô ấy nhìn thấy nhiều người đang nằm trên sân ga, bị phủ kín, một số không có quần áo, bị đốt cháy. Đó là một cảnh tượng rất đáng sợ.”

Tất cả nhà ga phải tạm dựng hoạt động

Thông tin ban đầu sau vụ nổ, số người thiệt mạng là 10, nhưng Ủy ban chống khủng bố quốc gia, cơ quan của nhà nước, sau đó cho biết 11 người đã thiệt mạng và 45 người khác bị thương và đang được điều trị tại bệnh viện.

Nga đã và vẫn đang trong tình trạng báo động đặc biệt chống lại phiến quân Hồi giáo nói tiếng Nga trở về từ Syria,  nơi họ đã chiến đấu cho Nhà nước Hồi giáo, và luôn cảnh giác với bất kỳ nỗ lực để tiếp tục các cuộc tấn công khủng bố đã đeo đẳng cả nước nhiều năm qua.

Trong năm 2010, có ít nhất 38 người đã thiệt mạng khi hai phụ nữ đánh bom tự sát cho phát nổ bom được cài đặt trên tàu điện ngầm tại Thủ đô Moscow.

Trong năm 2004, Hơn 330 người, một nửa trong số đó là trẻ em, đã bị những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan giết hại sau khi cảnh sát quyết định đột kích vào trường học ở miền nam nước Nga để giải cứu con tin do nhóm khủng bố này bắt cóc.

Năm 2002, 120 người bị giết chết khi cảnh sát đột nhập vào nhà hát Moscow để giải cứu con tin.

Trước đó vào năm 1999, ông Putin, với vai trò là thủ tướng, đã khởi động một chiến dịch đè bẹp một chính phủ ly khai ở Chechnya theo Hồi giáo nằm ở phía Nam nước Nga, và những năm sau đó với cương vị Tổng thống, Putin tiếp tục hành động trong khó khăn để chấn áp các cuộc nổi dậy tại đây.

Tân Bình

Xem thêm: