Vũ khí liên lục địa mới, nhanh gấp 27 lần tốc độ âm thanh đi vào hoạt động hôm thứ Sáu (27/12), bộ trưởng quốc phòng Nga báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin.

Embed from Getty Images

Nga đặt tên cho vũ khí siêu thanh mới là động cơ lượn siêu thanh Avangard, gọi đây là bước đột phá công nghệ sánh ngang với việc Liên Xô lần đầu phóng vệ tinh năm 1957.

Avangard được lắp trên đầu tên lửa liên lục địa. Nhưng không giống như đầu đạn tên lửa thông thường bay theo một lộ trình có thể dự đoán trước khi tách ra khỏi tên lửa ở độ cao nhất định, Avangard có thể lượn cơ động trên bầu khí quyển trên đường nhắm tới mục tiêu, điều này làm cho nó khó bị đánh chặn hơn.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 27/12 đã thông tin với Tổng thống Putin rằng đơn vị tên lửa đầu tiên được trang bị động cơ lượn siêu thanh Avangard đã bước vào nhiệm vụ chiến đấu.

Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược, Tướng Sergei Karakayev trả lời Reuters qua điện thoại rằng đơn vị được sử dụng Avangard nằm ở khu vực Orenburg, miền nam Núi Ural.

Trong tuyên bố quốc gia vào tháng 3/2018, Tổng thống Putin cũng đã tiết lộ về Avangard cùng với các hệ thống vũ khí tương lai khác của Nga. Khi đó, ông Putin chú ý rằng chính khả năng lượn cơ động của Avangard trên đường nhắm tới mục tiêu sẽ khiến hệ thống phòng thủ tên lửa trở nên vô dụng.

Nó hướng đến mục tiêu như một thiên thạch, như một quả cầu lửa,” ông Putin tin nói hồi tháng 3/2018.

>>Putin: Nga sẽ phát triển tên lửa bị cấm nếu Mỹ rút khỏi INF

Các nhà nghiên cứu chế tạo vũ khí của Nga cũng khẳng định khả năng lượn cơ động trên bầu khí quyển trái đất của Avangard làm cho loại vũ khí này khó bị radar phát hiện hơn, khiến cho tên lửa phòng thủ không có nhiều thời gian để phản ứng đánh chặn.

Tuy nhiên, ông Jeffrey Lewis – chuyên gia kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury có trụ sở tại Monterey, California nói với Reuters rằng ông nghi ngờ về tuyên bố của các chuyên gia Nga về việc Avangard có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tôi vẫn nghi ngờ các động cơ lượn đó sẽ thay đổi khả năng sống sót của lực lượng hạt nhân Nga,” ông Jeffrey Lewis nói.

Quân đội Nga lưu ý thêm rằng Avangard được làm từ vật liệu composite mới có thể chịu được nhiệt độ tối đa 3.632 độ F sinh ra khi động cơ này bay qua tầng khí quyển trái đất với tốc độ siêu thanh.

Avangard có khả năng bay nhanh gấp 27 lần tốc độ âm thanh và nó có thể mang theo vũ khí hạt nhân nặng tối đa 2 megaton, theo Bộ Quốc phòng Nga.

Tổng thống Putin nói rằng Nga phải phát triển Avangard và các hệ thống vũ khí tương lai khác vì Mỹ đang nỗ lực phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa mà ông Putin cho rằng có thể làm xói mòn chiến lược răn đe hạt nhân của Nga.

Truyền thông Nga loan tin rằng Avangard trước tiên sẽ được lắp vào các tên lửa đạn đạo RS-18B do Liên Xô sản xuất, NATO phân loại tên lửa này là SS-19. Động cơ lượn siêu thanh này cũng sẽ được trang bị cho tên lửa liên lục địa hạng nặng Sarmat mà Nga đang sản xuất.

Đầu tuần này, ông Putin nhấn mạnh Nga hiện nay là nước duy nhất sở hữu vũ khí siêu thanh.

Tuy nhiên, theo Reuters, Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng Bảy cho biết họ đã đang phát triển các vũ khí siêu thanh từ đầu những năm 2000.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hồi tháng Tám nói rằng ông tin chỉ trong vòng 2 năm nữa Mỹ sẽ có vũ khí siêu thanh. Ông Esper gọi loại vũ khí này là ưu tiên hàng đầu khi quân đội tiến hành phát triển các khả năng hỏa lực tầm xa mới.

Trung Quốc cũng đã thử nghiệm vũ khí siêu thanh tự sản xuất được cho nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Trong lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm nay, quân đội Trung Quốc đã công khai hình ảnh vũ khí siêu thanh được họ đặt tên là Dong Feng 17.

Trước việc Nga và cả Trung Quốc đều đang hiện đại hóa vũ khí liên lục địa nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã chính thức cho thành lập Lực lượng Không gian – nhánh thứ sáu của quân đội Mỹ, kỳ vọng nước Mỹ sẽ thống trị trong trận chiến không gian.

>>Trump ký luật quốc phòng về Lực lượng Không gian, xử lý mối đe dọa TQ

Các quan chức Mỹ đã từng nói về ý tưởng đưa một lớp cảm biến vào không gian để phát hiện nhanh hơn tên lửa của kẻ thù, đặc biệt là vũ khí siêu thanh.

Chính quyền Mỹ cũng có kế hoạch nghiên cứu ý tưởng căn cứ đánh chặn trong không gian, từ đó Mỹ có thể tấn công tên lửa đối phương trong những phút đầu tiên khi động cơ tăng áp của tên lửa vẫn đang cháy.

Như Ngọc