Hôm 26/3, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã liệt kê một số trường hợp quốc gia này buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục bước sang tuần thứ năm.

Embed from Getty Images

Dmitry Medvedev, hiện đang giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, đã vạch ra 4 cách mà Nga có thể “được quyền” sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình, ngay cả khi chống lại một quốc gia chỉ có vũ khí thông thường.

“Trường hợp thứ nhất là tình huống Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Trường hợp thứ hai là bất kỳ vụ sử dụng vũ khí hạt nhân nào khác chống lại Nga hoặc các đồng minh của Nga”, ông Medvedev cho biết hôm thứ Bảy, theo The Guardian. 

“Trường hợp thứ ba là việc tấn công vào một cơ sở hạ tầng quan trọng mà sẽ làm tê liệt các lực lượng răn đe hạt nhân của chúng tôi.”

“Và trường hợp thứ tư là khi một hành động xâm lược được thực hiện chống lại Nga và các đồng minh của Nga, gây nguy hiểm cho sự tồn tại của đất nước, ngay cả khi không sử dụng vũ khí hạt nhân, nghĩa là, kể cả việc sử dụng vũ khí thông thường.”

Sau đó, ông nói thêm rằng không có lý do gì để nghi ngờ rằng Nga sẽ “sẵn sàng đáp trả xứng đáng cho bất kỳ hành vi xâm phạm nào đối với đất nước của chúng tôi hoặc đối với nền độc lập của nước này.” 

Trong khi đó, hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng việc duy trì “sự sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân chiến lược” vẫn là một ưu tiên của Moscow, The Guardian đưa tin.

Các tuyên bố trên đã khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo hôm thứ Bảy rằng Nga là mối đe dọa trực tiếp đối với thế giới.

Ông nói trong cuộc họp video tại Diễn đàn Doha của Qatar: “Nga đang cố tình khoe khoang rằng họ có thể hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân, không chỉ một quốc gia nhất định, mà toàn bộ hành tinh.”

Vài ngày trước đó, Thư ký báo chí Nga Dmitry Peskov cho biết nước này sẽ cân nhắc sử dụng các lực lượng hạt nhân nếu cho rằng cuộc chiến đang diễn ra là một “mối đe dọa hiện hữu”. Các bình luận được đưa ra ngay sau khi nước này tuyên bố rằng họ đã sử dụng tên lửa siêu thanh chống lại lực lượng Ukraine, điều mà nhiều chuyên gia coi là hành động leo thang chiến tranh.

Nhà Trắng trong tuần này đã phản ứng lại các mối đe dọa ngày càng tăng của Nga bằng cách tập hợp một nhóm quan chức an ninh quốc gia để vạch ra cách Mỹ sẽ phản ứng nếu Moscow sử dụng kho vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân của mình. Được gọi là Đội Hổ, nhóm này cũng thảo luận về các kịch bản trong đó Tổng thống Nga Vladimir Putin tìm cách kéo dài cuộc chiến sang các nước láng giềng NATO, New York Times đưa tin.

Các nhà lãnh đạo thế giới khác cũng đã bày tỏ lo ngại rằng Nga đang xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Hôm thứ Bảy, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng viễn cảnh này “ngày càng hiện thực”, Reuters đưa tin. Nhật Bản là quốc gia duy nhất từng bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine lần đầu tiên vào ngày 24/2, Liên Hợp Quốc đã báo cáo rằng hơn 1.000 dân thường đã thiệt mạng, trong khi hơn 1.600 người bị thương. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc ước tính rằng số người chết thực tế cao hơn đáng kể.

Lê Vy (theo Newsweek)