Hôm 17/4, hãng thông tấn TASS dẫn lời đại sứ lưu động Nikolai Korchunov của Nga cho biết, Nga đang lo lắng trước hoạt động gia tăng của các lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Bắc Cực và nhìn thấy nguy cơ xảy ra “các sự cố ngoài ý muốn” trong khu vực này.

shutterstock 154802510
(Ảnh: Jiri Flogel/ShutterStock)

Hồi tháng 3, Phần Lan và Thụy Điển, cả hai đều đang cân nhắc việc gia nhập liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu, đã tham gia các cuộc tập trận quân sự kết hợp của NATO. Cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào ngày 24/2 đã khiến các cuộc tập trận này tăng thêm cường độ. Trong khi đó, Moscow luôn mô tả hành động của họ ở Ukraine chỉ là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Đại sứ Korchunov chỉ trích: “Sự gia tăng hoạt động gần đây của NATO ở Bắc Cực là một nguyên nhân gây lo ngại. Một cuộc tập trận quy mô lớn khác của liên minh đã được tổ chức gần đây ở miền bắc Na Uy. Theo quan điểm của chúng tôi, việc này không đóng góp cho an ninh của khu vực.”

Theo đại sứ lưu động của Nga, hoạt động như vậy của NATO làm tăng nguy cơ xảy ra “các sự cố ngoài ý muốn”, ngoài rủi ro về an ninh, nó còn có thể gây ra sự phá hoại nghiêm trọng đối với hệ sinh thái của Bắc Cực.

Tuy nhiên, ông không nói rõ loại sự cố cụ thể nào có thể diễn ra.

Trước đó, hôm 14/4, một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo NATO, nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh này, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh đến khu vực Biển Baltic.

Ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Điện Kremlin, cũng là cựu tổng thống Nga.

Ông nhấn mạnh: “Nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, chiều dài đường biên giới trên đất liền của liên minh này với Liên bang Nga sẽ tăng hơn gấp đôi. Đương nhiên, những khu vực giáp ranh này sẽ phải được củng cố về an ninh. Sẽ cần phải tăng cường đáng kể việc triển khai các lực lượng bộ binh, phòng không cũng như các lực lượng hải quân trong vùng biển của Vịnh Phần Lan.”

“Trong trường hợp này, không thể bàn cãi thêm về bất kỳ tình trạng phi hạt nhân nào đối với Baltic – sự cân bằng phải được khôi phục.”

Gia Huy (Theo Reuters)