Một quan chức cấp cao của Điện Kremlin đầu tuần này đã lên tiếng loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine.

Embed from Getty Images

Phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov hôm thứ Hai (28/3) đã nói với hãng tin PBS rằng: “Không ai nghĩ về việc sử dụng, thậm chí không nghĩ về ý định sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Tuần trước, trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Peskov đã nói rằng Nga sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự tồn vong của nước này bị đe dọa.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia đầu tuần này cho biết Moscow “duy trì quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu phải đối mặt với mối đe dọa tồn vong, thậm chí ngay cả khi phía bên kia không sử dụng vũ khí hạt nhân”.

>>Nga liệt kê các trường hợp “được quyền” sử dụng vũ khí hạt nhân

Phát ngôn viên Peskov nói với PBS hôm 28/3: “Tất nhiên, dù kết quả của hoạt động quân sự đặc biệt này có thế nào, thì đó cũng không phải là lý do để sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi có định nghĩa về an ninh quốc gia, trong đó tuyên bố rất rõ ràng rằng chỉ khi có mối đe dọa đến sự tồn vong của đất nước, thì chúng tôi mới có thể sử dụng vũ khí hạt nhân và chúng tôi cuối cùng sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để loại bỏ mối đe dọa đó”.

Ông Peskov nói tiếp: “Chúng ta hãy tách bạch hai điều này. Sự tồn vong của đất nước và hoạt động quân sự đặc biệt tại Ukraine không có gì liên quan đến nhau”.

Từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine hôm 24/2, đã có nhiều quan ngại về việc lực lượng vũ trang Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Vài ngày sau khi cuộc chiến tranh nổ ra, Tổng thống Nga Putin loan báo rằng ông đã ra lệnh đặt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga vào mức độ cảnh báo cao nhất. Ông chủ Điện Kremlin hôm 24/2 cũng đã cảnh báo về “hậu quả mà quý vị chưa bao giờ thấy trong lịch sử” nếu một quốc gia khác can thiệp vào xung đột Nga-Ukraine.

Trong khi đó, cũng có những tin tức cho thấy đã xảy ra những trận chiến xung quanh hai cơ sở hạt nhân của Ukraine. Những ngày đầu cuộc chiến, binh lính Nga đã giành quyền kiểm soát khu vực Chernobyl, nơi xảy thảm họa hạt nhân năm 1986, và sau đó cũng có tin tức báo cáo về việc nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia bị Nga pháo kích và có xảy ra hỏa hoạn nhỏ.

Ông Rafael Grossi, người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, hôm thứ Ba (29/3) cho biết ông đã tới Ukraine.

Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để giúp ngăn chặn nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân”, ông Grossi viết trên Twitter.

Như Ngọc