Điện Kremlin đã đưa ra phản ứng ngắn gọn khi được hỏi về lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng nhà lãnh đạo Nga không nên sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong cuộc xâm lược Ukraine.

Embed from Getty Images

TT Biden đã được CBS News hỏi về thông điệp của ông ấy đối với Tổng thống Nga Putin là gì nếu ông Putin cảm thấy cách tốt nhất để trả thù và giành lại ưu thế là sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc hóa học.

Tổng thống Mỹ đa trả lời “Đừng, đừng, đừng [làm như vậy]” và nói thêm rằng một hành động như vậy sẽ “thay đổi cục diện chiến tranh không giống bất cứ điều gì kể từ Thế chiến thứ hai”.

Khi được hỏi về phản ứng của Moscow đối với tuyên bố của ông Biden, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, nói với các phóng viên hôm thứ Bảy, “Hãy đọc học thuyết. Mọi thứ đều được viết ở đó”, hãng tin RIA Novosti đưa tin.

Học thuyết hạt nhân của Nga nói rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể được tiến hành sau “một hành động gây hấn chống lại Nga hoặc đồng minh của họ với việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt” hoặc nếu đất nước phải đối mặt với sự xâm lược và “sự tồn tại của nhà nước đang bị đe dọa.”

Trong suốt cuộc chiến, đã có nhiều thông điệp trái chiều đến từ Moscow về triển vọng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ngay sau khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, ông Putin đã đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao. Khách mời và những người đứng đầu các kênh truyền hình nhà nước phản ánh suy nghĩ của Điện Kremlin đã thường xuyên mô tả các khả năng hạt nhân của Nga và triển vọng sử dụng chúng như một phần trong nỗ lực chiến tranh của nước này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hồi tháng trước nói rằng vũ khí hạt nhân là không cần thiết từ góc độ quân sự và “mục tiêu chính của kho vũ khí hạt nhân của Nga là ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân”.

Ông Peskov, cũng như Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, trước đó đã nói rằng sẽ chỉ sử dụng vũ khí thông thường ở Ukraine.

Nga có khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được sử dụng ở khoảng cách tương đối gần, trong khi vũ khí hạt nhân “chiến lược” có thể được phóng ở khoảng cách xa hơn nhiều và làm tăng triển vọng của một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Ngày càng có nhiều suy đoán về việc ông Putin sẽ làm gì tiếp theo sau một cuộc rút lui bẽ mặt ở vùng Kharkiv, đông bắc Ukraine, cũng như Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực.

Rose Gottemoeller, Phó tổng thư ký NATO từ 2016 đến 2019, trước đó nói rằng bà lo ngại ông Putin có thể sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), chẳng hạn như vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học.

Nhưng vẫn có sự hoài nghi về việc ông Putin sẽ đi bước như vậy.

Peter Rutland, giáo sư nghiên cứu về Nga, Đông Âu và Á-Âu tại Đại học Wesleyan, Connecticut cho biết: “Một cuộc tấn công hạt nhân sẽ có tác động gây sốc nhưng nó không có khả năng răn đe Ukraine, và nó chỉ nhằm mục đích thống nhất phương Tây hơn và khiến các đồng minh của Nga như Trung Quốc lùi bước”.

Lê Vy (theo Newsweek)