Hôm thứ Tư (2/11), Nga cho biết họ sẽ tiếp tục tham gia vào thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Trước đó, thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc làm trung gian này đã bị đình chỉ vào cuối tuần trước.

Embed from Getty Images

Ngày 14/8/2022, tại thành phố Yuzhne, phía đông tỉnh Odessa, trên bờ Biển Đen của Ukraine, con tàu MV Brave Commander đầu tiên được Liên Hiệp Quốc thuê chở hơn 23.000 tấn ngũ cốc, sẵn sàng xuất khẩu sang Ethiopia. (Ảnh: Oleksandr Gimanov / AFP qua Getty Images)

Thỏa thuận được Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi tháng Bảy, chấm dứt 5 tháng Nga phong tỏa các cảng của Ukraine làm kẹt hàng triệu tấn ngũ cốc và dầu hướng dương và khiến giá lương thực tăng vọt.

Thỏa thuận này đảm bảo ngũ cốc và các hàng hóa khác của Ukraine được chuyển đi từ các cảng của họ, trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine đang diễn ra.

Theo thỏa thuận, các tàu được phép đi qua một hành lang an toàn, do một đội điều phối đặc biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra, rồi sau đó đi qua eo biển Bosphorous.

Hôm thứ Bảy (29/10), Nga cáo buộc Ukraine dùng hành lang an toàn cho tàu ngũ cốc để tấn công hạm đội của họ ở Crimea, và tạm ngưng tham gia vào thỏa thuận.

Nga nói rằng họ không thể đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự đi qua Biển Đen, nơi hạm đội của họ bị máy bay không người lái của Ukraine tấn công. Phía Ukraine cho rằng đây chỉ là cái cớ do phía Nga bịa đặt ra.

Các nguồn tin nói với Reuters rằng mặc dù thỏa thuận bị đình chỉ, nhưng tàu vẫn tiếp tục vận chuyển ngũ cốc của Ukraine trên tuyến đường này, chỉ là điều đó khó có thể kéo dài. Các công ty bảo hiểm đã không phát hành hợp đồng mới vì động thái của Nga.

Hôm thứ Hai (31/10), Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu vận chuyển từ các cảng phía nam Ukraine đã dừng lại.

Trong một bài phát biểu video vào tối thứ Ba (1/11), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết do công việc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc, các tàu vẫn đang di chuyển ra khỏi cảng của Ukraine.

Ông nói: “Tuy nhiên, Hành lang Ngũ cốc đòi hỏi sự phòng thủ lâu dài và đáng tin cậy.”

Trước đó, ông Zelensky nói rằng bất kỳ nỗ lực nào của Nga, nhằm phá vỡ hành lang xuất khẩu của Ukraine qua Biển Đen, đều cần thế giới kiên quyết phản ứng.

Tuy nhiên vài ngày sau, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã nhận được sự đảm bảo bằng văn bản từ Kyiv, rằng Ukraine sẽ không sử dụng Hành lang Ngũ cốc Biển Đen cho các hoạt động quân sự chống lại Nga.

“Liên bang Nga cho rằng những đảm bảo mà họ nhận được hiện nay dường như đã đủ, và sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận”, Bộ này cho biết trong một tuyên bố.

Vài ngày sau khi Nga ngừng tham gia thỏa thuận, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tiết lộ Nga đã đổi ý, sau cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Từ 12h00 (trưa) hôm nay (3/11), các chuyến hàng thực phẩm sẽ được tiếp tục thực hiện như đã thỏa thuận trước đó”, Tổng thống Erdogan nói.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh Moscow đã lùi bước. “Nga một lần nữa đã tìm cách dùng cơn đói làm vũ khí, dùng ngũ cốc làm vũ khí,” bà nói với trang web Die Welt của Đức.

Ukraine là một trong những nhà cung cấp ngũ cốc và hạt có dầu lớn nhất thế giới. Hành lang này đã bị phong tỏa sau khi Moscow xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.

Thỏa thuận ngũ cốc nhằm khôi phục lượng xuất khẩu trước chiến tranh là 5 triệu tấn mỗi tháng từ Ukraine.

Theo Liên Hiệp Quốc, 9,8 triệu tấn ngũ cốc, dầu, và đậu nành đã được vận chuyển trong hơn 400 chuyến hàng khắp thế giới từ khi hoạt động bắt đầu ngày 3/8.

Tổng thống Erdogan cho biết, thỏa thuận được đàm phán lại sẽ ưu tiên giao thực phẩm cho các nước châu Phi, gồm Somalia, Djibouti và Sudan, phù hợp với mối quan tâm của Nga. Kể từ khi đạt được thỏa thuận đầu tiên vào tháng Bảy, hầu hết các mặt hàng thực phẩm xuất khẩu đều chuyển sang các nước giàu hơn.

Thỏa thuận kết thúc ngày 19/11, và các nước liên quan phải đồng ý gia hạn.

Bình Minh (t/h)