Moscow có kế hoạch ngừng tham gia Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vì các lệnh trừng phạt áp dụng đối với các thực thể của Nga liên quan cuộc xâm lược của nước này vào Ukraine. 

Embed from Getty Images

“Quyết định đã được đưa ra rồi, chúng tôi không có nghĩa vụ phải công khai,” hai hãng truyền thông Nga là TASS và RIA Novosti trích lời ông Dmitry Rogozin – Tổng giám đốc Roscosmos (cơ quan vũ trụ Nga) trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước ngày 30/4.

“Tôi chỉ có thể nói điều này – theo nghĩa vụ của mình, chúng tôi sẽ thông báo cho các đối tác trước một năm về việc kết thúc công việc của mình trên ISS,” ông Rogozin cho biết thêm.

Đầu tháng này, ông Rogozin đã từng cảnh báo sẽ chấm dứt sứ mệnh của Nga trên ISS trừ khi Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu và Canada dỡ bỏ các biện pháp nhằm vào các công ty liên quan đến ngành công nghiệp vũ trụ của nước này, Bloomberg đưa tin.

Tính đến nay, ISS vẫn là một trong những dự án hợp tác hiếm hoi giữa Nga với Hoa Kỳ và các đồng minh cho dù cho mối quan hệ giữa các bên ngày càng xấu đi. Trong tuần qua, 3 phi hành gia người Mỹ và một người Ý đã tới ISS, tham gia cùng với 3 người Mỹ, 3 người Nga và một người Đức đã ở trạm này từ trước đó.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) có kế hoạch vận hành trạm vũ trụ đến năm 2030. Cơ quan này vẫn luôn sử dụng tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đưa các phi hành gia đến và đi từ ISS kể từ năm 2011.

Tuy nhiên, các chuyến bay tư nhân vào không gian hiện cũng đang được vận hành nhiều hơn. Gần đây nhất, ngày 25/4, SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã được sử dụng để đưa các phi hành gia người Mỹ và Ý lên trạm vũ trụ.

Ông Rogozin cho hay, chính phủ Nga và Tổng thống Vladimir Putin đang xác định rõ công việc trên trạm vũ trụ, theo Tass. Hiện tại, Liên bang Nga đang tiếp tục công việc của mình ở đó cho đến năm 2024, ông nói.

Ông Rogozin cho biết: “Công việc này sẽ liên quan rất nhiều vấn đề, không chỉ để thể hiện thái độ của chúng tôi với những gì đang diễn ra trên thế giới, mà còn là sự thể hiện sự sẵn sàng của chúng tôi trong việc triển khai Trạm dịch vụ quỹ đạo của Nga.”

Trước đó, trong cuộc họp với các đại biểu Duma Quốc gia từ Đảng Dân chủ Tự do của quốc gia, ông Rogozin lưu ý rằng, việc Nga tiếp tục tham gia trạm vũ trụ không mấy hiệu quả và cần phải có một số tiền lớn để tiếp tục vận hành cho đến năm 2030, nếu không nó sẽ “sụp đổ”.

ISS không thuộc sở hữu của bất kỳ quốc gia nào mà được Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nga, Canada và Nhật Bản vận hành thông qua một thỏa thuận hợp tác giữa các nước. Tuy nhiên, Roscosmos có vai trò khá quan trọng đối với ISS khi phân đoạn quỹ đạo của Nga xử lý việc điều khiển hướng dẫn cho toàn bộ trạm.

Minh Ngọc (Theo Newsmax)