Hôm thứ Bảy (23/4), Nga cho biết họ có kế hoạch triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat mới được thử nghiệm của mình vào mùa thu năm nay. Loại tên lửa này được cho là có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chống lại Hoa Kỳ, Reuters đưa tin.

YYH4SJKINBK4PBEYEERHIANQYU
Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat được quân đội Nga phóng thử nghiệm tại sân bay vũ trụ Plesetsk ở vùng Arkhangelsk, Nga. Hình ảnh tĩnh này được trích từ một đoạn video được công bố vào ngày 20 tháng 4 năm 2022 (Bộ QP Nga)

Mục tiêu triển khai tên lửa vào mùa thu đã được ông Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Roscosmos, tuyên bố. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng vì Nga đã báo cáo vụ phóng thử đầu tiên chỉ vào thứ Tư và các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa trước khi tên lửa có thể được triển khai. 

Tên lửa Sarmat có khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân và vật nghi trang trở lên, đồng thời có thể tấn công các mục tiêu cách xa hàng nghìn dặm ở Hoa Kỳ hoặc châu Âu.

Sau nhiều năm trì hoãn vì vấn đề kinh phí và kỹ thuật, vụ thử tuần này đã phô trương sức mạnh của Nga vào thời điểm cuộc chiến ở Ukraine đã khiến căng thẳng với Mỹ và các đồng minh tăng vọt lên mức cao nhất kể từ khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. 

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vũ khí này sẽ làm cho kẻ thù của Nga phải suy nghĩ nhiều hơn.

Ông nói: “Phức hệ mới này có các đặc tính kỹ, chiến thuật cao nhất và có khả năng vượt qua tất cả các hệ thống chống tên lửa hiện đại. Trong thời gian dài sắp tới thế giới sẽ không có vũ khí tương tự thế này”.

“Vũ khí độc nhất thực sự này sẽ củng cố khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang chúng ta, đảm bảo chắc chắn an ninh của nước Nga trước các mối đe dọa từ bên ngoài, và đem đến nhiều điều đáng suy nghĩ cho những người đang cố gắng đe dọa đất nước ta”, ông Putin nhấn mạnh.

Ông Rogozin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Nga rằng các tên lửa sẽ được triển khai với một đơn vị ở vùng Krasnoyarsk của Siberia, cách Moscow khoảng 3.000 km về phía đông.

Ông cho biết chúng sẽ được đặt ở cùng địa điểm và trong cùng hầm chứa tên lửa Voyevoda từ thời Liên Xô.

Ông Rogozin cho biết thêm, vụ ra mắt “siêu vũ khí” là một sự kiện lịch sử sẽ đảm bảo an ninh cho con cháu của Nga trong vòng 30 – 40 năm tới.

Tuy vậy, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby đã hạ thấp tầm quan trọng của vụ Nga phóng tên lửa Sarmat.

Ông Kirby nói: “Chiếu theo nghĩa vụ trong hiệp ước New START, Nga đã báo trước cho Mỹ rằng họ có kế hoạch thử loại tên lửa đạn đạo liên lục địa này. Vụ thử như vậy là thông thường. Điều đó không có gì bất ngờ. Chúng tôi không xem vụ phóng thử này là mối đe dọa đối với nước Mỹ hay các đồng minh của Mỹ”.

Nghị sĩ Alexey Goncharenko của Quốc hội Ukraine nói với chương trình “National Report” chiếu trên Newsmax TV hôm 21/4 rằng ông không tin tuyên bố của ông chủ Điện Kremlin.

“Ông ta đang nói rằng họ có quân đội giỏi nhất nhưng quý vị thấy đấy quân đội Ukraine đã chiến thắng trận chiến ở Kyiv. Chúng tôi đã đánh chìm soái hạm của họ trên Biển Đen… Quân đội Nga không mạnh mẽ như ông Putin cố gắng thể hiện”, ông Goncharenko bày tỏ.

Tuy nhiên, nghị sĩ Goncharenko cũng cảnh báo rằng điều nguy hiểm là ông Putin có vũ khí hạt nhân.

Mối lo ngại của phương Tây về nguy cơ chiến tranh hạt nhân đã gia tăng kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2 và sau đó đã đề cập tới các lực lượng hạt nhân của Moscow, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào cản đường Nga “sẽ dẫn đến những hậu quả chưa từng gặp phải trong lịch sử của mình.”

“Viễn cảnh xung đột hạt nhân, từng là điều không tưởng, giờ đây đã trở lại trong phạm vi có thể xảy ra”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết vào tháng trước.

Tiến Minh (t/h)