Không dễ để dự đoán chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putitn đã lên kế hoạch gì nhắm vào Ukraine, nhưng chuyên gia Luke Coffey của Quỹ Di Sản cũng đã đưa ra một số giả định dựa vào những gì được biết về quy mô và phân bố quân sự hiện tại của Nga, cũng như tiền lệ của việc Moscow đã từng sử dụng lực lượng vũ trang để đạt được các mục tiêu địa chính trị.

shutterstock 1954686091
Bản đồ 3D mô tả xung động quân sự Nga – Ukraine, Mỹ (Đồ họa: Tomasz Makowski/ShutterStock)

Dưới đây là 6 kịch bản Nga có thể tiến hành nhắm vào Ukraine:

1. Không nổ súng, chỉ điều quân để đe dọa làm đòn bẩy đàm phán với phương Tây

Nga có thể sử dụng việc dàn quân quy mô lớn áp sát biên giới Ukraine để đạt được sự nhượng bộ của phương Tây về việc không mở rộng NATO. Mục tiêu chiến lược của Nga ở đây là nhằm giữ Ukraine tránh xa các tổ chức như NATO và Liên minh châu Âu (EU).

Nga cũng sẽ đạt được lợi ích từ mối tương tác lâu năm của Ukraine với các tổ chức do Nga hậu thuẫn như Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể hoặc Liên minh Kinh tế Á Âu.

Cách hiệu quả nhất để Nga đạt được mục tiêu này là duy trì tình trạng “đóng băng” cuộc xung đột tại Đông Ukraine, có nghĩa là tại đây sẽ dừng các cuộc chiến lớn, nhưng các cuộc chiến địa phương vẫn tiếp tục và không có điểm dừng.

Điều này có nghĩa rằng Nga đang sử dụng hoạt động dàn quân quy mô lớn tại biên giới giáp Ukraine làm đòn bẩy chính trị chứ không phải để tiến hành xâm lược thực sự.

2. Tiến hành tấn công hạn chế để củng cố sức mạnh cho các phần tử ly khai do Nga hậu thuẫn tại Đông Ukraine 

Một kịch bản có vẻ hợp lý là Nga đang muốn giúp các phần tử ly khai củng cố vị thế tại các khu vực Donetsk và Luhansk nhằm tạo ra một thực thể chính trị có chức năng nhà nước hữu hình.

Kịch bản này có thể liên quan đến việc chiếm giữ các đầu mối huyết mạch thông tin liên lạc và giao thông (chẳng hạn như thành phố cảng Mariupol) và nhà máy điện Luhansk vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương Ukraine.

Nga có thể thực hiện động thái trên theo cách thức từng phần, nhưng hành động như vậy cũng sẽ đòi hỏi không thực hiện bất kỳ hiệp định ngừng bắn nào tại Đông Ukraine.

3. Gây hấn nhiều hơn để kết nối Nga với Crimea từ đất liền

Hiện tại, Liên bang Nga đang kết nối với bán đảo Crimea duy nhất qua một chiếc cầu mới xây băng qua Eo biển Kerch. Ukraine cũng đã phong tỏa các nguồn nước ngọt chính cung cấp tới Crimea.

Kết nối Nga với Crimea dọc theo bờ biển sẽ giúp làm nhẹ bớt một số thách thức hậu cần mà Nga đang gặp phải, đặc biệt liên quan đến nguồn cung nước ngọt cho Crimea, đồng thời cũng sẽ biến Biển Azov thành ‘ao làng’ của Nga.

Tuy nhiên, để đạt được điều đó, đòi hỏi Nga phải huy động lực lượng quân sự quy mô lớn nhằm phá vỡ các vị trí phòng thủ mạnh mẽ dọc biên giới của Donbas và phải chiếm giữ được Mariupol, thành phố lớn thứ 10 của Ukraine.

4. Tấn công quy mô lớn để chiếm đóng các thành phố lớn của Ukraine

Một trong những kịch bản gây hấn mạnh mẽ nhất có thể là liên quan đến việc Nga nỗ lực tái kiểm soát khu vực Novorossiya ở miền nam Ukraine. Động thái này có thể giúp kết nối Nga với Crimea từ đất liền, và sau cùng sẽ kết nối với khu vực Transnistria của Moldova do Nga chiếm đóng.

Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi Nga phải huy động lực lượng quân sự quy mô đủ lớn để kiểm soát Odessa, thành phố lớn thứ ba Ukraine và Mariupol. Nếu thành công, Nga sẽ làm thay đổi cơ bản bối cảnh an ninh và địa chính trị tại Đông Âu theo chiều hướng chưa từng có kể từ Thế chiến II.

5. Bao vây thủ đô Kiev

Nga có thể sử dụng lực lượng quân sự quy mô lớn để chọc thủng các phòng tuyến của Ukraine và tiến nhanh về thủ đô Kiev.

Trong kịch bản này, quân đội Nga sẽ thực hiện các biện pháp răn đe quân đội Ukraine, đồng thời dừng ở bên ngoài thủ đô Kiev, và chỉ “tình nguyện rút quân” tới vị trí định trước sau khi bị quốc tế lên án.

Bằng việc tiến gần đến thủ đô Kiev, kịch bản bao vây sẽ cho phép Nga gửi tới Ukraine một thông điệp rằng Moscow có thể chiếm thủ đô Kiev mà không cần phải dốc hết nguồn lực và nhân lực vốn cần phải có để làm được như vậy. Thứ nữa, việc rút quân “tình nguyện” sẽ tạo ra một quan điểm “sai lầm” rằng Tổng thống Nga Putin là người giảm leo thang xung đột.

6. Khuấy động nổi dậy tại Vùng Odessa

Nga sẽ khuấy động các vấn đề chính trị tại khu vực Budjak, Vùng Odessa, Ukraine. Mục tiêu chính của việc này là sẽ tại ra cuộc khủng hoảng chính trị địa phương, từ đó gây ra các vấn đề nội tại cho chính quyền trung ương tại Kiev.

Budjak kết nối với phần còn lại của Ukraine qua một tuyến độc đạo. Khu này giáp ranh với vùng tự trị Gagauzia của Moldova.

Thống trị được Budjak, cùng với sự hiện diện quân sự tại Transnistria, sẽ đặt Nga vào vị thế kiểm soát một dải rộng lớn biên giới phía Tây Ukraine và từ đó uy hiếp được khu vực Odessa.

Ngoài hoạt động quân sự, Nga có thể cũng sẽ tiến hành các cuộc tấn công mạng trực tuyến, thực hiện chiến dịch truyền tin sai để làm xói mòn sự ủng hộ của địa phương và quốc tế đối với chính phủ trung ương Ukraine. Moscow cũng có thể kích động các phần tử phản kháng tại Đông Ukraine nổi dậy lật đổ các thể chế chính quyền địa phương và trung ương như họ đã từng làm được tại Crimea hồi năm 2014.

Hải Đăng (Theo heritage.org)

Xem thêm: