Phó đại diện thường trực của Moscow tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy tiết lộ, Nga đã thay đổi lập trường về việc Ukraine trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm (12/5) với tờ Unherd News của Anh, ông Polyanskiy nhận định, hiện tại mong muốn này của Ukraine không thể trở thành một phần trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào giữa Moscow và Kyiv.

Embed from Getty Images

Ông cho hay, trước đây, Moscow không lo ngại về triển vọng Ukraine cuối cùng gia nhập tổ chức châu Âu này, nhưng hiện nay quan điểm của Nga đã thay đổi.

Ông Polyanskiy giải thích, nguyên nhân chủ yếu là do hành vi của Brussels đối với Nga kể từ khi Nga tiến hành tấn công Ukraine vào cuối tháng 2. Moscow cảm thấy EU đã trở nên hoàn toàn liên kết với NATO do Mỹ dẫn đầu.

Ông đặc biệt chỉ ra bài phát biểu gần đây của Trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu Josep Borrell, trong đó vị quan chức EU người Tây Ban Nha đã công khai bày tỏ sự tán đồng đối với một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột hiện tại giữa Nga và Ukraine.

Ông Polyanskiy chỉ trích: “Tại thời điểm này, chúng tôi không quá lo ngại về Liên minh châu Âu, nhưng tình hình đã thay đổi sau tuyên bố của ông Borrell cho rằng ‘cuộc chiến này nên được giải quyết trên chiến trường’ và sau sự kiện Liên minh châu Âu đi đầu trong việc cung cấp vũ khí [cho Ukraine]. Tôi nghĩ rằng hiện tại quan điểm của chúng tôi đối với Liên minh châu Âu cũng tương tự như đối với NATO bởi vì chúng tôi không nhìn thấy sự khác biệt lớn [giữa hai tổ chức này].”

Đại diện của Nga thừa nhận, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã leo thang đến mức không còn chỗ cho ngoại giao. Tuy nhiên, ông Polyanskiy đổ lỗi việc leo thang là do thiếu đối thoại mang tính xây dựng, Kyiv không có khả năng giữ lời hứa, và những nỗ lực của phương Tây nhằm kéo dài tình huống thù địch.

Ông nhấn mạnh: “Thành thật mà nói, tại thời điểm này, do quan điểm của Ukraine, do sự khích động cuộc xung đột này của phương Tây, tôi không nhìn thấy khả năng ngoại giao nào. Là một nhà ngoại giao, tôi phải thừa nhận rằng ngay bây giờ không có con đường nào cho ngoại giao.”

Ông Polyanskiy từ chối đưa ra bất kỳ dự đoán này về cuộc xung đột này có thể kéo dài bao lâu. Ông nói: “Tôi không có quả cầu pha lê để dự đoán những điều như vậy.”

“Nếu các quốc gia phương Tây cố gắng ngăn chặn cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách cho dầu vào lửa, tất nhiên cuộc xung đột có thể được kéo dài trong một thời gian, nhưng điều đó sẽ không làm thay đổi toàn bộ diễn biến của cuộc xung đột, sẽ không ngăn cản được Nga đạt được các mục tiêu.”

Nga đã tấn công quốc gia Đông Âu láng giềng sau khi Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký vào năm 2014. Ngay trước khi phát động cuộc xâm lược, Moscow đã công nhận các nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk ở vùng Donbass của Ukraine. Nghị định thư Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để cung cấp cho các khu vực ly khai vị thế đặc biệt trong nhà nước Ukraine

Kể từ đó, Điện Kremlin đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Ngược lại, Kyiv lên án cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố của Nga cho rằng Kyiv đang lên kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa bằng vũ lực.

Gia Huy (Theo RT)