Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã thúc đẩy thiết lập một “trật tự thế giới” mới với Trung Quốc vào ngày 30/3 trước cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Trong một video do Bộ Ngoại giao Nga đăng lên Twitter, ông Lavrov tuyên bố: “Chúng tôi, cùng với các bạn, và với những người đồng chí hướng của chúng tôi, sẽ hướng tới một trật tự thế giới đa cực, công bằng, dân chủ.”

“Hai Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov và Vương Nghị gặp nhau ở Đồn Khê, tính An Huy, Trung Quốc,” Bộ Ngoại giao Nga đăng trên Twitter, cùng một bức ảnh của ông Lavrov và ông Vương.

Bình luận của Ngoại trưởng Lavrov được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc vẫn không lên án hành động xâm lược Ukraine của Nga khi giao tranh đang tiếp diễn. Kể từ khi Nga tấn công Ukraine, nhiều quốc gia phương Tây khác đã lên án Nga và áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Moscow.

Trong tháng qua, Trung Quốc tiếp tục kêu gọi hòa bình giữa Ukraine và Nga, nhưng không hề chỉ trích hành động xâm lược của Nga.

Theo Reuters, sau cuộc gặp gỡ, ông Vương bày tỏ rằng, cả Trung Quốc và Nga đều “quyết tâm hơn trong việc phát triển quan hệ song phương, đồng thời tự tin hơn trong việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực.”

“Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Nga để đưa quan hệ Trung – Nga lên một tầm cao hơn trong kỷ nguyên mới, dưới sự dẫn dắt của sự đồng thuận của các nguyên thủ quốc gia,” ông Vương nhấn mạnh.

Một bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị nói, “Quan hệ Trung Quốc – Nga đã chịu đựng được thử thách mới về những thay đổi của tình hình quốc tế, giữ hướng phát triển đúng đắn và cho thấy một động lực phát triển bền bỉ.”

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân từng nói với các phóng viên rằng, Moscow và Bắc Kinh sẽ tiếp tục nỗ lực để “thúc đẩy đa cực hóa toàn cầu và dân chủ hóa các mối quan hệ quốc tế”.

Ông Vương Nghị còn bổ sung thêm: “Không có giới hạn cho sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga.”

Ông Vương Nghị nói: “Cuộc đấu tranh vì hòa bình của chúng ta không có giới hạn, phòng thủ an ninh của chúng ta không có giới hạn, và sự phản đối bá quyền của chúng ta cũng không có giới hạn”.

Trong cuộc họp báo hôm 30/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ: “Không có giới hạn nào trong quan hệ hợp tác Trung Quốc – Nga trong việc theo đuổi hòa bình, không có giới hạn nào đối với nỗ lực của chúng tôi trong việc bảo vệ an ninh, và cũng không có giới hạn nào trong việc chúng tôi ngăn chặn bá quyền. Quan hệ Trung Quốc – Nga có đặc điểm là không liên minh, không đối đầu và không nhắm mục tiêu vào bất kỳ bên thứ ba nào.”

Ngoại trưởng Nga Lavrov sẽ tham dự một loạt cuộc họp do Trung Quốc chủ trì để thảo luận về cách giúp đỡ Afghanistan, các đại diện từ Hoa Kỳ và Taliban dự kiến ​​cũng sẽ tham dự.

Trung Quốc chỉ có chung một đường biên giới nhỏ với Afghanistan, nhưng Bắc Kinh từ lâu đã lo sợ rằng nước láng giềng của họ có thể trở thành nơi ẩn náu cho những phần tử ly khai người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương.

Các cuộc họp diễn ra sau chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Kabul vào tuần trước, đây là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Afghanistan kể từ khi Taliban nắm quyền.

Các bình luận tương tự cũng được đưa ra trong một tuyên bố chung của Trung Quốc và Nga hồi đầu năm, sau khi Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau trước thềm Thế vận hội Mùa đông.

Ông Putin đã gặp riêng ông Tập trước lễ khai mạc thế vận hội ở Bắc Kinh, và hai nhà lãnh đạo sau đó đã ra tuyên bố chung để thành lập một mặt trận thống nhất trước sự chỉ trích của phương Tây. Tuyên bố được đăng trên trang web của Điện Kremlin nhằm miêu tả Nga và Trung Quốc là những người phổ biến về dân chủ và tự do trên vũ đài thế giới, chứ không phải là những kẻ thách thức nó.

Trung Quốc và Nga không chỉ rõ bất cứ thủ nào, nhưng thông điệp rất rõ ràng: thế giới đang thay đổi, và Trung Quốc và Nga sẽ không lùi bước.

Trong tuyên bố chung của Nga và Trung Quốc hồi tháng 2 vừa qua có đoạn, “Một số thế lực đại diện cho các thiểu số trên vũ đài thế giới để tiếp tục chủ trương đơn phương giải quyết các vấn đề quốc tế, dùng sức mạnh chính trị, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nước khác, kích động xung đột, bất đồng và đối đầu.”

“Dân chủ không phải là được xây dựng trên khuôn mẫu. Theo cấu trúc chính trị – xã hội, lịch sử, truyền thống và đặc điểm văn hóa của một quốc gia cụ thể, người dân có quyền lựa chọn hoàn cảnh cụ thể của quốc gia đó. Quyền lợi phán đoán một quốc gia có dân chủ hay không là thuộc về người dân của quốc gia đó.”

Xét từ bề mặt, phương Tây dân chủ có thể đã dễ dàng bỏ qua thông điệp: Người Nga và người Trung Quốc không có “quyền lựa chọn hình thức và phương pháp thực hiện dân chủ mà họ muốn” bởi vì cả hai nước đều không có bầu cử tự do và công bằng. Việc công khai phản đối “hình thức và phương pháp” quản trị hiện có thường dẫn đến việc bắt giữ và bỏ tù những người cố gắng lên tiếng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Price cho biết vào tháng 2 vừa qua rằng, Hoa Kỳ tin rằng Trung Quốc và Nga muốn hợp tác để tạo ra một trật tự thế giới mới, nhưng đó là một trật tự mới “rất không tự do”, ở nhiều phương diện nó còn có “tính phá hoại” và mang tính “không tích cực”, cũng hoàn toàn trái ngược với trật tự được thiết lập trong hơn 70 năm qua.

Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine đang diễn ra, Hoa Kỳ từng đưa ra thông tin về việc Nga yêu cầu hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã nhanh chóng bác bỏ.

Hiện tại, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục kêu gọi Trung Quốc lên án cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine. Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman thậm chí còn nhận định, tương lai của ông Tập là với các quốc gia phương Tây, chẳng hạn như Hoa Kỳ chứ không phải với Nga và ông Vladimir Putin.

Minh Ngọc (t/h)