Chính quyền Moscow cho biết hôm thứ Ba (17/05) rằng hai nhân viên của Đại sứ quán Phần Lan tại Nga sẽ phải rời khỏi đất nước, đồng thời cho biết động thái này là để đáp trả một hành động tương tự trước đó của Helsinki.

 

Moscow Kropotkinskii 15 17 embassy of Finland scaled
Đại sứ quán Phần Lan tại Nga, Ảnh: Сергей Сазанков/Wikimedia

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng họ đã triệu tập đại sứ Phần Lan tại Moscow và bày tỏ “phản đối mạnh mẽ” đối với việc trục xuất hai nhà ngoại giao Nga của Phần Lan hồi tháng Tư.

Moscow cũng cáo buộc Phần Lan đang thực hiện một “đường lối đối đầu” với Nga, cung cấp vũ khí cho Ukraine và “che đậy tội ác của những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine” đối với thường dân.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Phía Nga đã đưa ra quyết định về việc không thể chấp nhận được việc tiếp tục ở lại Liên bang Nga của hai nhân viên Đại sứ quán Phần Lan tại Moscow.”

Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2, phương Tây đã trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga và Điện Kremlin đã hành động theo cách ăn miếng trả miếng.

Phần Lan có đường biên giới trên bộ dài 1.340 km với Nga và gần đây đã xác nhận ý định gia nhập NATO sau nhiều thập kỷ không liên minh quân sự. Động thái tìm kiếm sự bảo vệ an ninh từ NATO của Phần Lan và Thụy Điển được giới phân tích nhận định như là một hậu quả chiến lược lớn nhất trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Cách đây vài tháng, việc gia nhập NATO là viễn cảnh xa vời với Phần Lan và Thụy Điển, nhưng sau khi Nga xâm lược Ukraine, việc gia nhập liên minh quân sự này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân 2 nước.

Nếu tham gia NATO, Phần Lan và Thụy Điển sẽ mang lại khả năng vũ trang đáng kể. Đặc biệt là nếu có chiến tranh ở Bắc Cực, Phần Lan sẽ là lực lượng pháo binh lớn nhất châu Âu. Những lực lượng này có thể nhanh chóng được tích hợp vào cấu trúc chỉ huy của NATO.

Tư cách thành viên của 2 nước này cũng sẽ giúp chiều dài biên giới của NATO với Nga tăng lên gấp đôi. Nó còn củng cố các nước thuộc khu vực phía bắc, đặc biệt là các quốc gia vùng Baltic, những nước mà Thụy Điển và Phần Lan sẽ cam kết bảo vệ nếu họ trở thành thành viên NATO. NATO hoạt động dựa trên nguyên tắc rằng tấn công vào một thành viên có thể được coi là cuộc tấn công vào toàn khối. Khả năng bảo vệ thành viên của tổ chức này là rất rõ ràng.

Bình luận về ý định gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, hôm thứ Hai (16/5), phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ở Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói: “Về việc mở rộng NATO, gồm việc kết nạp thành viên mới – Phần Lan, Thụy Điển – Nga không có vấn đề gì với 2 nước này. Do đó, ở một khía cạnh nào đó, việc NATO mở rộng sang 2 quốc gia này không gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Nga.”

Tuy nhiên, ông Putin cảnh báo rằng việc NATO mở rộng “cơ sở hạ tầng quân sự tới vùng lãnh thổ này, chắc chắn sẽ kích động phản ứng của chúng tôi”.

Ông Putin nói với các nhà lãnh đạo CSTO gồm Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan rằng: “Phản ứng sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ xem điều gì đang đe dọa chúng ta.”

Phản ứng bình tĩnh của Tổng thống Putin được thấy là trái ngược hoàn toàn với những lời lẽ cứng rắn từ Bộ Ngoại giao Nga và một số nhân vật cấp cao khác tại Điện Kremlin.

Trước bài phát biểu của ông Putin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Ryabkov, nói rằng phương Tây chớ nên ảo tưởng rằng Moscow sẽ dung túng cho sự mở rộng của NATO một cách đơn giản. Những bình luận này vẫn được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia Nga.

Phong Vân (t/h)