Trung Quốc và Nga đã tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vào thứ Sáu (ngày 4/2) để cân bằng với “ảnh hưởng toàn cầu ác ý” của Hoa Kỳ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, Reuters đưa tin.

Embed from Getty Images

Trong một tuyên bố chung, hai nước khẳng định mối quan hệ mới của họ vượt trội hơn bất kỳ liên minh chính trị hay quân sự nào thời Chiến tranh Lạnh.

“Tình hữu nghị giữa hai quốc gia không có giới hạn, không có lĩnh vực hợp tác nào thuộc “vùng cấm'”, tuyên bố cho biết và công bố kế hoạch hợp tác trong một loạt các lĩnh vực bao gồm không gian, biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo và kiểm soát Internet.

Thỏa thuận này được cho là tuyên bố chi tiết và mang quyết tâm cao nhất của Nga và Trung Quốc hợp tác cùng nhau để xây dựng một trật tự quốc tế mới dựa trên cách diễn giải của mỗi bên về nhân quyền và dân chủ.

Tuyên bố ngập tràn trong diễn ngôn ý thức hệ và không rõ liệu nó có chuyển ngay thành sự gia tăng hợp tác hữu hình và thiết thực hay không, mặc dù ông Putin đã tuyên bố về một thỏa thuận khí đốt mới với Trung Quốc vào thứ Sáu.

Hoa Kỳ đã đáp trả một cách lạnh lùng. Khi được hỏi về cuộc gặp giữa ông Tập và ông Putin, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Joe Biden có mối quan hệ riêng với Trung Quốc.

Đề cập đến việc quân đội Nga đổ bộ gần biên giới Ukraine, bà cho biết trọng tâm của Mỹ hiện là làm việc với các đối tác trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine, đồng thời nói thêm “chúng tôi cũng thông báo rằng xung đột gây bất ổn ở châu Âu sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc trên toàn thế giới” .

Hai nước đã xích lại gần nhau hơn khi cả hai đều phải chịu áp lực từ phương Tây về các vấn đề bao gồm hồ sơ nhân quyền và việc Nga xây dựng quân đội gần Ukraine. 

Nga cũng lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc rằng Đài Loan là một bộ phận bất khả xâm phạm của Trung Quốc và phản đối bất kỳ hình thức độc lập nào đối với hòn đảo này. Moscow và Bắc Kinh cũng lên tiếng phản đối liên minh AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ, cho rằng nó làm tăng nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực.

Trên lĩnh vực công nghệ, Nga và Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng tăng cường hợp tác về trí tuệ nhân tạo và an ninh thông tin.

Trong khi đó, hai ông lớn năng lượng nhà nước của Nga là Gazprom và Rosneft hôm thứ Sáu đã đồng ý các thỏa thuận cung cấp khí đốt và dầu mới với Bắc Kinh trị giá hàng chục tỷ USD.

Các thỏa thuận này dựa trên nỗ lực của Putin nhằm đa dạng hóa xuất khẩu năng lượng của Nga khỏi phương Tây, bắt đầu ngay sau khi ông lên nắm quyền vào năm 1999. Kể từ đó, Nga đã trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Trung Quốc và cắt giảm sự phụ thuộc vào phương Tây về nguồn thu.

Tiến Minh

Xem thêm: