Ngân hàng Thế giới cho biết hôm thứ Tư (2/3) rằng họ đã ngừng tất cả các chương trình ở Nga và Belarus, có hiệu lực ngay lập tức, sau khi Nga xâm lược Ukraine và “có hành động thù địch chống lại người dân Ukraine”.

Trong một tuyên bố, Ngân hàng Thế giới cho biết họ đã không phê duyệt bất kỳ khoản vay hoặc đầu tư mới nào vào Nga kể từ năm 2014, năm Nga sáp nhập khu vực Crimea của Ukraine.

Ngân hàng cũng cho biết họ đã không chấp thuận bất kỳ khoản cho vay mới nào đối với Belarus kể từ giữa năm 2020, khi Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này trước một cuộc bầu cử Tổng thống có nhiều nghi vấn gian lận.

Theo trang web của ngân hàng, các cam kết cho vay của Ngân hàng Thế giới đối với Belarus là 308 triệu USD vào năm 2020, với các dự án đang hoạt động bao gồm dự án sưởi ấm sinh khối, phát triển lâm nghiệp và hiện đại hóa giáo dục.

Ngân hàng Thế giới đã cho Nga vay hơn 16 tỷ USD kể từ đầu những năm 1990. Các dự án gần đây nhất đã được phê duyệt bao gồm một chương trình thanh niên ở Bắc Caucasus vào năm 2013 và một chương trình di sản văn hóa có từ năm 2010, trang web của ngân hàng cho biết.

Quyết định ngừng tất cả các chương trình ở Nga và Belarus được đưa ra một ngày sau khi các nhà lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết họ đang chạy đua để cung cấp thêm hàng tỷ đô la tài trợ cho Ukraine trong những tuần và tháng tới, cảnh báo chiến tranh có thể lan tới các quốc gia khác.

Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Anh và các nước khác đã giáng một loạt các biện pháp trừng phạt vào Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.

Họ cũng đã áp đặt việc đóng băng tài sản, cấm đi lại và các hạn chế khác đối với nhiều cá nhân Nga, bao gồm cả bản thân Tổng thống Vladimir Putin.

Ngân Hà (theo Reuters)