Ngày càng có nhiều chuyên gia kêu gọi chính phủ Mỹ công nhận chính thức miễn dịch tự nhiên. Đây là khả năng bảo vệ có được sau khi bệnh nhân phục hồi khỏi COVID-19.

Embed from Getty Images

Nhiều chuyên gia y tế của Hoa Kỳ đề xuất, lịch trình tiêm chủng khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) nên có ít liều hơn hoặc thậm chí không có liều nào đối với những người đã bị nhiễm COVID-19 và đã phục hồi.

Phát biểu với tờ The Epoch Times, Tiến sĩ Paul Offit, giáo sư nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia và là cố vấn về vắc-xin của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), khuyến nghị: “Miễn dịch tự nhiên nên được tính là hai liều vắc-xin.” 

Trong một bài bình luận gần đây, Tiến sĩ Offit và hai cựu quan chức FDA nhận định, “việc yêu cầu những người đã bị nhiễm bệnh tiêm ba liều vắc-xin là quá mức cần thiết, làm lãng phí những liều vắc-xin quý giá, và có thể dẫn đến rủi ro không cần thiết (do vắc-xin các tác dụng phụ, mặc dù hiếm gặp).”

Theo hướng dẫn hiện tại của CDC, tất cả người Mỹ từ 12 tuổi trở lên được khuyên nên tiêm ba liều vắc-xin COVID-19 của Moderna hoặc Pfizer. CDC định nghĩa những người tiêm chủng đầy đủ là những người đã tiêm hai vắc-xin COVID-19 của Moderna hay Pfizer, hoặc một liều tiêm duy nhất của Johnson & Johnson.

Hướng dẫn của CDC không mang tính ràng buộc nhưng được nhiều công ty và các khu vực pháp lý viện dẫn khi áp đặt các quy định tiêm vắc-xin. Nhiều quy định buộc người lao động hoặc cư dân phải tiêm chủng đầy đủ. Ngoài những liều tiêm chính, một số công ty và cơ quan còn yêu cầu tiêm liều tăng cường do khả năng bảo vệ của vắc-xin suy giảm dần. Rất ít trường hợp được miễn trừ do có miễn dịch tự nhiên sau khi phục hồi khỏi COVID-19.

Trong một bình luận riêng, giáo sư Eric Topol, nhà sáng lập và là giám đốc Viện Dịch thuật Nghiên cứu Scripps, dự đoán, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy miễn dịch tự nhiên có khả năng bảo vệ mạnh mẽ và kéo dài sẽ khiến CDC định nghĩa lại việc tiêm chủng đầy đủ theo hai cách: những người đã tiêm những liều chính và chưa bị nhiễm bệnh cần phải tiêm liều thứ ba, trong khi những người đã nhiễm bệnh trước đó chỉ cần tiêm một liều.

Các nghiên cứu gần đây về vấn đề này bao gồm một nghiên cứu do Johnson & Johnson và chính phủ Mỹ tài trợ cho thấy chỉ riêng việc nhiễm bệnh trước đó đã cung cấp 90% khả năng bảo vệ trước COVID-19 trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh trung bình đến nghiêm trọng, trong khi vắc-xin chỉ cung cấp 56% khả năng bảo vệ. Một nghiên cứu khác do CDC hỗ trợ cũng cho thấy miễn dịch tự nhiên có khả năng bảo vệ tốt hơn vắc-xin đối với biến thể Delta của virus corona.

Một số chuyên gia, chẳng hạn như Tiến sĩ Offit, đang thúc đẩy cái gọi là miễn dịch lai. Họ chỉ ra một số nghiên cứu, bao gồm một nghiên cứu của Phòng khám Cleveland được công bố đầu tháng 2, cho thấy những người đã bị nhiễm bệnh và tiếp tục tiêm một liều vắc-xin duy nhất có khả năng bảo vệ tốt hơn so với những người đã bị nhiễm trước đó vẫn chưa tiêm chủng. 

Tiến sĩ David Boulware, giáo sư y khoa của Đại học Minnesota, đồng ý với quan điểm này.

Tiến sĩ Boulware cho hay, ông lo lắng rằng không phải bất kỳ ai nhiễm COVID-19 sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch. Ông đã hỗ trợ một nghiên cứu được công bố vào năm 2021. Nghiên cứu này yêu cầu những người tham gia tự thu thập các mẫu huyết thanh. Các kết quả cho thấy những người càng có nhiều triệu chứng COVID-19 thì càng có khả năng cho thấy bằng chứng về việc nhiễm bệnh trước đó. 

Trong một email gửi cho The Epoch Times, Tiến sĩ Boulware đề xuất: “Đối với những người đã nhiễm COVID-19 trước đó, họ nên tiêm ít nhất một liều vắc-xin tiếp theo ở thời điểm 3 đến 6 tháng sau khi nhiễm lần đầu. Đối với những người đã nhiễm trước đó, hai liều vắc-xin liên tiếp theo trình tự nhanh 0, 21 hoặc 28 ngày hầu như không có tác dụng gì về mặt miễn dịch, ngoài việc tạo ra các phản ứng phụ. Hiện tại (dựa trên các quy định hiện hành), tôi khuyến nghị tất cả những người đã bị nhiễm trước đó nên tiêm một liều vắc-xin ở thời điểm 3 tháng sau khi nhiễm bệnh lần đầu và sau đó tiêm một liều nữa sau 6 tháng kể từ lần nhiễm đầu tiên .”

Các quan chức y tế hàng đầu của Hoa Kỳ, như Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC, đã thừa nhận về khả năng miễn dịch tự nhiên xảy ra, nhưng vẫn liên tục thúc giục mọi người tiêm vắc-xin theo lịch tiêm chủng đầy đủ, ngay cả khi họ đã phục hồi khỏi COVID-19.

Giáo sư Offit tiết lộ, năm 2021, ông là một trong bốn người được yêu cầu chia sẻ quan điểm của mình về miễn dịch tự nhiên với Tiến sĩ Walensky và các quan chức khác, bao gồm cả Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc lâu năm của Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) và hiện là cố vấn trưởng về y tế cho Tổng thống Mỹ Joe Biden. Cuộc họp trực tuyến này đã diễn ra sau khi Tổng Y sĩ Vivek Murthy được Thượng viện Mỹ phê chuẩn và trước khi Tiến sĩ Francis Collins từ chức giám đốc Viện Y tế Quốc gia (NIH). Tuy nhiên, cuộc họp này đã không dẫn đến sự thay đổi nào trong hướng dẫn của chính phủ.

Phát biểu với The Epoch Times, Giáo sư Offit nhận định: “Tôi nghĩ bởi vì các ý kiến nói chung là đa dạng, do đó không có thông điệp thống nhất rõ ràng nào được đưa ra nói về điều đó [miễn dịch tự nhiên].”

Một vấn đề có thể xảy ra là làm thế nào mọi người có thể chứng minh họ đã bị nhiễm bệnh và phục hồi. Nhiều đề xuất đã được đưa ra, bao gồm cả việc xét nghiệm huyết thanh.

CDC, NIH, NIAID, Phó đô đốc Murthy, Tiến sĩ Walensky, Tiến sĩ Fauci và Tiến sĩ Collins đều không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này. The Epoch Times đã gửi yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về cuộc họp trên theo Đạo luật Tự do Thông tin của Hoa Kỳ.

Đặc biệt, một số chuyên gia khác đưa ra quan điểm mạnh mẽ hơn, cho rằng khả năng bảo vệ của những người có miễn dịch tự nhiên mạnh đến mức họ có thể không cần hoặc hoàn toàn không cần phải tiêm bất kỳ liều vắc-xin nào.

Tiến sĩ Robert Malone, người đã giúp tạo ra công nghệ mRNA mà Pfizer và Moderna đã sử dụng để tạo ra vắc-xin COVID-19, đã chỉ ra một nghiên cứu cho thấy những người có miễn dịch tự nhiên có nguy cơ mắc các tác dụng cao hơn sau khi tiêm chủng. Một số nghiên cứu khác về khả năng bảo vệ của miễn dịch tự nhiên cũng cho thấy điều này.

Tiến sĩ Malon lưu ý The Epoch Times: “Hơn 140 nghiên cứu đã chứng minh điều đó, tính ưu việt của miễn dịch tự nhiên. Và hơn nữa, nếu bạn tiêm vắc-xin một người nào đó sau khi họ có miễn dịch tự nhiên, nguy cơ xảy ra tác dụng phụ ở họ sẽ tăng lên.”

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Ý cho thấy, những người phục hồi khỏi COVID-19 có nguy cơ tái nhiễm thấp và nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nghiêm trọng hoặc tử vong rất thấp. Do đó họ đề nghị, rủi ro và lợi ích của vắc-xin đối với nhóm người này [có miễn dịch tự nhiên] nên được “đánh giá cẩn thận.”

Trong một email gửi cho The Epoch Times, Tiến sĩ Lamberto Manzoli, một trong các tác giả của nghiên cứu trên, kết luận: “Từ quan điểm của một người đã phục hồi sau lần nhiễm bệnh trước đó, việc tiêm chủng mang lại lợi ích rất hạn chế, bởi vì nguy cơ họ mắc bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong là cực kỳ thấp, đặc biệt nếu họ còn trẻ.”

Ông tiếp tục, mặt khác, việc tiêm chủng người có miễn dịch tự nhiên “vẫn có thể mang lại một số lợi ích, bởi vì khoảng 1% những đối tượng này có thể tái nhiễm và do đó truyền bệnh. Rõ ràng, tác động của họ [những người có miễn dịch tự nhiên tái nhiễm] đối với đại dịch nói chung rất khó định lượng, và có khả năng rất hiếm thấy, tuy nhiên nếu chúng ta muốn thực hiện một cách tiếp cận thận trọng, thì tiêm chủng vẫn có thể mang lại một số lợi ích. Điều quan trọng là chúng ta phải sử dụng từ ‘có thể’ bởi vì, như tôi đã đề cập trong bản thảo, một đánh giá chuyên sâu về rủi ro và lợi ích [của vắc-xin] nên được thực hiện đối với những đối tượng này.”

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: